Nhật ký người rừng: Tự do giữa rừng xanh
Ở rừng mặc tự do, chỉ cần cái khố che cái cần che là thỏa mái, tiện lợi, mát mẻ.
Ngày... Tháng... Năm...
Sáng sớm hai cha con ngồi uống nước trà dưới ánh nắng ban mai, vừa nhai trầu vừa nghe chim hót. Cha kể rằng những người văn minh cũng thích nghe chim hót, nhưng họ thường bắt chim nhốt trong lồng nuôi cho nó hót. Chim nhốt trong lồng làm sao có thể cất tiếng hót hay như con chim tự do giữa bát ngát núi rừng này được.
Rồi cha liên tưởng đến con người, con người được tự do là con người hạnh phúc nhất, không có gì quý hơn độc lập tự do. Cuộc sống ở rừng như mình là tự do tuyệt đối, người văn minh thì chỉ được tự do như con chim tự do trong lồng mà thôi. Ở đó, vì sống đông đúc nên họ phải đặt ra đủ các thứ quy tắc luật lệ: ăn cũng quy tắc phải trông nồi trông hướng, vệ sinh cũng quy tắc phải đúng chỗ đúng nơi, học cũng quy tắc lễ trước học sau, đi lại cũng quy tắc lề phải lề trái, nói năng cũng quy tắc phải kiêng nọ kiêng kia, báo chí cũng quy tắc phải tránh này tránh nọ... , vân vân và vân vân, quy tắc và quy tắc.
Cha lấy ví dụ về chuyện ăn. Ăn là nhu cầu cơ bản nhất của con người, mình ở rừng ăn uống tự do, của mình mình ăn, ăn kiểu gì tùy thích. Nhưng người văn minh thì khác, bình thường thì không sao, nhưng hễ cần sang trọng một tí là phải quy tắc: nào là cầm muỗng kiểu gì, tay để ra sao, chân vắt thế nào, nhai hàm bên phải hay bên trái.. Thực ra quy tắc đó là do vài người nào đó bịa ra thôi, nhưng chẳng may có ai không làm đúng động tác thì lập tức bị xung quanh chế giễu là quê mùa, không đẳng cấp. Khổ thế, người ta không còn gì để thể hiện đẳng cấp hay sao mà lại cố nặn ra những ràng buộc trong lúc ăn để phân biệt đẳng cấp, thả cứ để ăn uống tự nhiên vui vẻ thỏa mái có tốt hơn không? Ấy thế nhưng lại có sự ngược đời, lúc ăn theo kiểu tự do (ăn búp – phê) thì họ lại chẳng chịu thể hiện cái sang trọng, cứ lấy cho thật nhiều, lấy hết phần người khác mặc dù ăn không hết, rất mất lịch sự.
Bên cạnh chuyện ăn là chuyện mặc. Mình ở rừng mặc tự do, cơ bản chỉ cần mỗi cái khố che cái cần che, rất thỏa mái, tiện lợi và mát mẻ. Nhưng với người văn minh thì có nhiều chuyện để bàn. Sống ở đó, đi học hay đi làm thì phải mặc đồng phục rất bất tiện, nếu không đồng phục thì người ta lại bị cuốn vào cuộc chạy đua thời trang. Lúc cần đẹp thì không nói làm gì, nhưng ngay cả lúc không cần thiết thì họ vẫn cứ cố đầu tư cho đẹp chỉ vì máu hơn thua, thích thể hiện. Nhiều bà sẵn sàng mặc váy ngắn giữa mùa đông, chấp nhận rét thấu xương chỉ vì nghĩ thiên hạ sẽ khen mình đẹp. Nhiều anh xe ôm chấp nhận gò bó và tốn kém để mặc comple cho oách. Lại có kẻ thừa của nhưng thiếu văn hóa, lên báo chí khoe ầm lên rằng tôi mặc cái váy giá mấy tỉ đồng, tương đương với cả trăm con bò mộng. Lẽ ra lúc đi làm người ta cần mặc đơn giản cho khỏe, nhưng vì tính chất “cộng đồng”, vì bản năng thích nhòm ngó nhau, vì thích khoe, vì sợ người khác chế giễu... nên ai cũng cố chấp nhận cái bất tiện để giữ gìn cái gọi là “lịch sự”. Cha kể về một ông có uy tín trong làng nọ, hôm họp làng ông ta đề xuất cho phép đàn ông mặc quần sooc lửng đi làm cho tiện, thế là nhiều người nhảy dựng lên phản đối, cho rằng mặc như thế là mất lịch sự. Thực ra thì trước đó mấy chục năm người ta đã mặc như thế và coi là lịch sự rồi, nhưng giờ đề nghị mặc lại thì bảo là mất lịch sự. Rõ khổ! Lịch sự hay không chỉ là quan niệm mà quan niệm thì hoàn toàn có thể thay đổi, nhưng đôi khi tính sĩ diện hão, máu hơn thua nó cứ dồn người ta phải theo cái quan niệm bất tiện.
Cái lịch sự của người văn minh không chỉ thể hiện ở chuyện ăn mặc mà còn ở nói năng. Trước giờ mình sống tự do, nghĩ sao nói vậy, luôn nói thật cái bụng. Nhưng cha bảo rằng người văn minh không phải vậy, vì phép tắc, vì lịch sự nên họ nghĩ thế này nhưng lại nói thế kia, rất khó đoán. Lời nói thật dần trở nên khan hiếm, hiếm đến mức cứ thỉnh thoảng có ai đó dám nói thật là được xung quanh khen ngợi, tung hô như anh hùng. Có lần, có ông nhạc sỹ lão làng thật thà nhận xét về một người hát rằng anh ta hát dở, ai dè anh chàng kia nhảy cà tưng lên viết tâm thư chửi té tát mặc dù anh ta chỉ đáng tuổi con cháu vị nhạc sỹ đáng kính. Đấy, không phải là cứ nói thật là tốt đâu, và trong cuộc sống của họ còn rất nhiều sự thật cần nói nhưng lại chẳng ai dám nói. Thậm chí ở đó có mấy người viết nhật ký như mình, viết về sự thật mà bị kẻ khác đe dọa, đánh chửi. Thế mới khổ!
Chuyện đơn giản hàng ngày nữa đó là lao động. Cha bảo mình ở đây tự do, mình làm cho mình, khỏe thì làm, mệt thì nghỉ. Còn với người văn minh thì họ đâu có được như vậy. Đi làm họ phải có tổ chức, có luật lệ, không thể tùy hứng. Họ làm việc chung nhưng thành quả lại không hề chia đều, người công nhân thường phải chịu thiệt thòi, họ phải đổ mồ hôi nhiều nhất nhưng được hưởng ít nhất. Việc phân chia thành quả của họ không những bất công mà còn vô lý. Ví như ngành Công Ích, trời chưa mưa đường đã ngập khiến dân bơi như ếch, nước thoát không nổi nhưng ông sếp thoát nước vẫn được nhận lương khủng, lương sếp cao gấp hàng trăm lần người công nhân trực tiếp phải chui xuống móc cống cực khổ. Người văn minh làm ăn gì đâu mà kỳ quá!
Cha còn kể rất nhiều chuyện về cuộc sống của người văn minh nữa, nhưng nhìn chung thì lĩnh vực nào con người ở đó cũng phải chịu những ràng buộc và luật lệ. Thế mới biết cuộc sống tự do giữa núi rừng của mình là nhất.
HienMQ
*
* *
“Nhật ký người rừng”, chỉ có ở Hội quán 24H
Những đoạn nhật ký này được lược dịch từ cuốn nhật ký làm từ lá cây, được viết bằng tiếng dân tộc Ơ- Đu. Do người dịch mới bập bẹ học tiếng Ơ- Đu nên rất có thể dịch chưa được sát nghĩa lắm, có chỗ nào chưa đúng mong anh chị em thông cảm. “Nhật ký người rừng” rất dài, Hội quán 24H tóm tắt thành 7 phần, cụ thể như sau:
Phần 1 – Em đến với rừng (đăng ngày 17/9)
Phần 2 – Rừng với tuổi thơ (đăng ngày 18/9)
Phần 3 – Chàng trai của núi rừng (đăng ngày 18/9)
Phần 4 – Tự do giữa rừng xanh (đăng ngày 20/9)
Phần 5 – Ngày định mệnh (đăng ngày 21/9)
Phần 6 – Cuộc sống văn minh (đăng ngày 22/9)
Phần 7 – Trở về (đăng ngày 23/9/2013)