Nhật ký người rừng: Rừng với tuổi thơ

Có đồ ăn ngon, cha lại xuýt xoa về đứa trẻ đang sống cùng "bọn người văn minh"!

Ngày... Tháng... Năm...

Hôm nay cha bẫy được con thú lớn lắm, cha con mình lại được ngồi bên bếp lửa ấm cúng và thưởng thức món ngon. Cha nói phần ăn không hết, phơi khô gác lên bếp có thể để dành ăn cả tháng.

Ở nơi núi rừng này thức ăn vừa nhiều lại vừa ngon. Lúa, ngô, mè, đậu... cha đã tích trữ đầy trong các ống lồ ô, chẳng bao giờ mình sợ đói. Cha đặt bẫy và săn bắn rất giỏi nên hầu như ngày nào mình cũng được ăn thịt thú rừng. Rau rừng thì nhiều vô kể, trái thơm quả ngọt mùa nào thức nấy... Cứ như thế đặc sản của rừng đã nuôi một đứa trẻ như mình lớn lên khỏe mạnh từng ngày. Ơn cha, ơn rừng biết mấy!

Mỗi lần có đồ ăn ngon, cha lại xuýt xoa thương những đứa trẻ đang sống cùng bọn người văn minh dưới xuôi. Cha nói chúng tội nghiệp lắm, đứa nghèo thì thiếu cái ăn, nhiều đứa cả năm không biết đến miếng thịt, còn đứa con nhà giầu thì thừa thãi đồ ăn nhưng lại toàn là đồ ăn mất vệ sinh và độc hại. Rau, củ, quả thì nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản; thịt cá thì dư lượng kháng sinh, chất tạo nạc... Những người văn minh đó vẫn biết là thức ăn độc hại, nhưng không biết kiếm đâu ra đồ sạch như ở rừng chúng ta, nên buộc lòng nhắm mắt cho con cái họ ăn đồ bẩn, đồ độc hại. Những đứa trẻ non nớt làm sao có thể chống chọi được với hóa chất độc hại, thật tội nghiệp! Ở đó trẻ em nghèo thì bị suy dinh dưỡng, trẻ con nhà giầu thì mắc bệnh béo phì trông cứ như gà công nghiệp. Bệnh ung thư, bệnh tim mạch ở trẻ em ngày càng trở nên phổ biến, ghê thiệt là ghê!

Ngày... Tháng... Năm...

Chiều nay cha ngồi dạy mình học bài dưới bóng cây Kơ- nia mát rượi. Mỗi lần được ngồi học cùng cha là mình cảm thấy vui và thỏa mái vô cùng. Cha nói không cần phải học nhiều, không cần phải nhồi nhét làm gì, quan trọng là trẻ em phải được phát triển tốt về thể chất, tinh thần thỏa mái, học kỹ năng sống, học cách ứng xử với con người, với vạn vật và với môi trường. Cha bảo vừa học vừa chơi là cách giáo dục tốt nhất cho trẻ.

Lần nào cũng vậy, cứ nói về chuyện học hành là cha lại lôi đám trẻ con của người văn minh ra so sánh. Cha bảo chuyện học hành ở đó giống như một cực hình không chỉ đối với bọn trẻ mà ngay cả với người lớn. Người lớn ở đó không phải học, nhưng lại rất vất vả vì chuyện học, từ chạy trường chạy lớp, đến chuyện đưa đi đón về, vừa tốn của vừa tốn công... Đơn giản như chuyện xin học cho đứa trẻ 6 tuổi thôi mà bố mẹ phải xếp hàng thâu đêm để chầu trực, thậm chí chen nhau xô đổ cả cổng trường, đấy là chưa kể phải đút lót tốn kém có khi bằng mấy con trâu rừng nữa.

Trẻ con đi học thì khổ thôi rồi. Sáng học, trưa học, chiều học, vẫn chưa đủ, tối đến nhà thầy học tiếp. Trò không học thêm thì thầy đói, thế nên muốn hay không trẻ cũng phải đi học thêm. Cái cặp sách nặng đến mức đeo còn không nổi, nói gì đến tiếp thu. Chương trình nặng như đá tảng nên khiến học sinh bị áp lực, đến nỗi đang ngủ gặp ác mộng giật mình thon thót, thậm chí nhiều đứa bị trầm cảm, tự kỷ mà bố mẹ không biết lại tưởng đó là dấu hiệu của thiên tài. Trẻ con đeo kính dầy cộp, mặt ngơ ngơ, lưng gù trông như ông cụ là hình ảnh ngày càng phổ biến.

Cha nói ở đó có khẩu hiệu học đi đôi với hành, tức là hành các em trong lúc học. Người ta cứ hô hào giảm tải với cải cách suốt, nhưng rốt cuộc càng giảm thì chương trình càng nặng, càng cải thì càng thất cách và rối rắm. Chung quy cũng là do người ta ở tập trung đông quá, người này thích khoe khoang với người kia mà họ gọi là bệnh thành tích. Mình ở rừng chỉ có hai người, chả cần khoe với ai, cứ học cho mình, học cái gì mình cần là khỏe nhất. Còn ở đó, không chỉ thầy gây áp lực với trò để lấy thành tích, lấy bổng lộc, mà đôi khi chính bố mẹ cũng gây áp lực với con vì muốn con là thần đồng, muốn con mình tỏ vẻ “siêu nhân” hơn con hàng xóm... để hạnh mặt.

Chuyện học là vậy, chuyện chơi của con em người văn minh thì cha cũng cho rằng có nhiều vấn đề chưa ổn. Cha bảo mình ở đây, việc chơi đã được kết hợp hài hòa với việc học và lao động, đồ chơi tuy không nhiều nhưng an toàn, hơn nữa đồ chơi tự chế sẽ kích thích tư duy sáng tạo. Còn đối với trẻ em người văn minh, đồ chơi rất sẵn nhưng nhanh chán, chưa kể đồ nhựa độc hại và bạo lực từ “nước lạ” tràn về, rất không tốt. Điều nguy hiểm nữa là trẻ em của họ đang lạm dụng trò chơi điện tử. Mình chả hiểu trò chơi điện tử là gì nhưng cha nói nhiều đứa mê chơi hơn ăn, bỏ bê học hành, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có đứa chơi đến kiệt sức mà chết (không biết có phải vì thế mà người ta gọi là chơi điện tử không?).

Những lời cha nói làm mình thấy tuổi thơ của mình ở nơi đây thật tuyệt. Có ba điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ đó là ăn, học và chơi. Cả ba chuyện này mình đều hơn hẳn trẻ em của người văn minh. Mình cảm thấy hạnh phúc vô cùng và thầm biết ơn cha đã đưa mình đến với nơi núi rừng này.

HienMQ

*
* *

“Nhật ký người rừng”, chỉ có ở Hội quán 24H
Những đoạn nhật ký này được lược dịch từ cuốn nhật ký làm từ lá cây, được viết bằng tiếng dân tộc Ơ- Đu. Do người dịch mới bập bẹ học tiếng Ơ- Đu nên rất có thể dịch chưa được sát nghĩa lắm, có chỗ nào chưa đúng mong anh chị em thông cảm. “Nhật ký người rừng” rất dài, Hội quán 24H tóm tắt thành 7 phần, cụ thể như sau:
Phần 1 – Em đến với rừng (đăng ngày 17/9)
Phần 2 – Rừng với tuổi thơ (đăng ngày 18/9)
Phần 3 – Chàng trai của núi rừng (đăng ngày 18/9)
Phần 4 – Tự do giữa rừng xanh (đăng ngày 20/9)
Phần 5 – Ngày định mệnh (đăng ngày 21/9)
Phần 6 – Cuộc sống văn minh (đăng ngày 22/9)
Phần 7 – Trở về (đăng ngày 23/9/2013)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN