"Nhà quê ra phố" (50): Bà con chửi múa rối hiện đại
Sau mấy tháng luyện tập, Tấm quyết định biểu diễn thử múa ruối nước theo kịch bản hiện đại. Tễu ủng hộ vợ việc này. Cứ phải làm thử xem thế nào.
Ao làng đục ngầu, nước xanh rêu, mùi thum thủm, thủy đình cũ nát, ngói vỡ hết, tuy nhiên vẫn biểu diễn được. Đám diễn viên sợ không dám lội xuống nước, Tấm phải công bố bồi dưỡng hậu hĩnh. Còn bao nhiêu tiền trong nhà, Tấm đem ra phục vụ cuộc này hết, đã đam mê rồi thì bất chấp, hóa ra cô cũng có máu lãng du.
Đúng 8 giờ tối, bà con trong làng kéo ra chật cứng xung quanh ao, hướng vào thủy đình. Các diễn viên bịt khẩu trang dàn hàng ngang sau sân khấu, các con rối vào vị trí biểu diễn. Màn kịch “Lan Điệp tái ngộ giang hồ” do Con rối Lan mập trắng, ngực to, mông mẩy, ăn mặc hở hang, con rối Điệp thì đội mũ phớt, đi xe đời mới. Màn Lan Điệp hôn nhau dưới gốc cau mùi mẫn lắm, các cụ già không chịu nổi loại múa rối hiện đại này lặng lẽ bỏ về hết, có cụ còn chửi thẳng giữa đám đông:
- Múa rối gì mất dạy quá, thật chả hiểu thế nào nữa, dẹp ngay đi lũ điên khùng.
Đám thanh niên lại vô tay đôm đốp, mỗi khi Lan Điệp ôm nhau, hôn nhau là chúng ồ lên sung sướng, chúng thi nhau hô: Hôn nhau nữa đi! Hay lắm, múa rối muôn năm!
Một cụ ông nguyên là diễn viên đoàn múa rối ngày xưa xem cảnh này thì không kìm lòng được. Cụ vơ đống gạch vỡ ném tới tập vào những con rối, một diễn viên điều khiển con rối Điệp bị nửa hòn gạch tương vào giữa trán, máu chảy ròng ròng, phải đưa đi cấp cứu.
Tuy nhiên, đám thanh niên thì tiếp tục hò reo yêu cầu biểu diễn hết chương trình đã định, màn “Quan họ hữu duyên”. Tấm tiếp tục cho biểu diễn, khán giả lớn tuổi đã về hết, còn lại toàn thanh niên, tiếng vỗ tay rầm rập. Màn giã bạn quan họ bắt đầu, một đôi nghệ nhân cao tuổi được mời hát trực tiếp hay mê hồn. Những con rối gỗ to gần bằng người thật mặc mớ ba mớ bảy uốn éo lượn lờ, ôm eo nhau đi lễ hội. Tiếp theo là màn trình diễn áo tắm hai mảnh trên nền nhạc rốc vô cùng sôi động.
Buổi biểu diễn thí nghiệm đã kết thúc mà đám thanh niên không chịu về cho, chúng kéo nhau vào Tấm chia sẻ. Tấm cảm động quá sai người nấu cháo gà liên hoan mừng thành công. Buổi biểu diễn kết thúc có hậu, số người phản đối ít thôi, như vậy là thành công mỹ mãn rồi.
Cụ Trung cầm đèn pin tới nhà Tễu, tâm trạng khó chịu:
- Đấy, anh chị ra ao làng mà xem, thanh niên tự nhiên như ruồi. Bao nhiêu năm nay ở cái làng này làm gì có chuyện bậy bạ như thế chứ. Cô chú phải dẹp đoàn mua rối tai quái này đi, hỏng hết rồi, không còn coi thánh thần ra thể thống cống rãnh gì nữa.
Cụ Trung nói xong còn cố tình chém nhát dao vào gốc cây vối thể hiện sự giận giữ. Lâu rồi Tễu mới thấy cụ Trung nóng nảy như vậy, gì thì gì hiện nay cụ là người cao tuổi nhất làng.
Tễu cũng không thích màn biểu diễn múa rối của vợ, tuy nhiên rõ ràng đám thanh niên sống thực tế hơn, cụ thể hơn rất thích xem kịch bản múa rối này thì sao lại phản đối được. Trong quá trình phát triển, lớp già và lớp trẻ mãi mãi là hai mũi đối kháng về tư tưởng, sở thích. Ngay vợ Tễu không còn trẻ nữa nhưng cũng không đủ kiên nhẫn nghe hết một vở chèo cổ cơ mà, í a í ơi thì có gì hay ho chứ.
Tễu chẳng biết phải nghĩ thế nào cho đúng, còn Tấm thì quyết liệt phản đối các cụ ra mặt. Cô tức giận đốp vào mặt cụ Trung:
- Tôi chán các người lắm rồi, không xem thì ở nhà ôm vợ ngủ, đừng chống gậy ra phá đám nữa…