Người ta đã nói dối nhau như thế nào?
Trong cuộc đời con người, hầu như ai cũng đã từng nói dối hoặc đánh lừa người khác.
Con người từ bao đời nay luôn có nhu cầu lừa dối, nên người ta mới sinh ra ngày Cá Tháng Tư (Ngày 1 tháng 4 hàng năm) để mọi người được công khai lừa dối mà không sợ mang tiếng. Tuy nhiên nhu cầu lừa dối của con người là không giới hạn nên thay vì chỉ nói dối, đánh lừa trong ngày Cá Tháng Tư, người ta đã và đang nói dối đến tận 365 ngày trong một năm, thậm chí 366 ngày nếu đó là năm nhuận.
Ngày cá Tháng Tư có xuất xứ từ Pháp, rồi lan rộng ra cả thế giới. Trong ngày này người ta được thoải mái nói đùa cợt, lừa dối nhau, kể chuyện vui, phao tin vịt… Một trong những vụ “lừa dối” nổi tiếng nhất thế giới là vào ngày cá tháng tư (01 tháng 4 năm 1957), đài BBC phát sóng một phim tài liệu giả mạo, thuyết phục khán giả rằng Thụy Sĩ đã phát triển thành công cây spaghetti (mì ống ý). Chỉ cần trồng loại cây này và thu hoạch mỳ ống mà không cần thông qua bất kỳ một khâu chế biến nào. Rất người xem đã bị mắc lừa và sau đó họ đã đứng chờ hàng giờ để được nhận giống mì này.
Tiếp đó, trong một đoạn clip khác, hãng này cho thấy các chú chim cánh cụt đã... biết bay. Trò lừa bịp này giải thích rằng vùng đất chim cánh cụt biết bay đầu tiên đã được phát hiện và chúng bay di cư trong mùa đông để đến một khu rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ. Clip thiên nhiên đẹp mắt này trên thực tế là một quảng cáo do BBC lập trình trực tuyến và nó đã “xỏ mũi” được không ít khán giả truyền hình.
Một câu chuyện tương tự được cho xảy ra ở VN vài năm gần đây:
Ngày 1-4, một anh chàng vừa ngủ dậy mình quyết định nhắn tin cho bạn gái của mình:
"Anh xin lỗi, mình chia tay em nhé, anh bị đồng tính"
Anh chàng tủm tỉm cười chờ tin nhắn hoặc cuộc gọi lại của nàng, nhưng mãi chẳng thấy gì. 10 phút sau anh ta nhận được một tin nhắn, nhưng lại là của thằng bạn thân:
"Ê mày! Giúp tao đi đánh ghen nhé, vừa phát hiện con bồ vào nhà nghỉ với 1 thằng khác. Mặc quần áo đi, 5 phút nữa tao qua rồi cùng đi".
Lúc đó anh chàng quá phẫn uất với chuyện của thằng bạn và quên luôn chuyện đùa với bạn gái trước đó. Anh ta nhanh chóng mặc quần áo xuống cổng đứng đợi. 5 phút sau anh ta cùng thằng bạn đến nhà nghỉ X, chui vào phòng đã biết trước và đánh ghen ra trò trong đó.
Sau chừng 30 phút, cả hai hớn hở ra về vì rất hả giận thì bất chợt anh chàng nói trên nhận được tin nhắn từ cô bạn gái:
"Anh à, lúc anh nhắn tin em đã không tin đó là sự thật và em đã lao ngay đến nhà anh nhưng cũng chỉ kịp nhìn thấy anh lên xe với người con trai ấy. Rồi em đã tận mắt chứng kiến bọn anh vào nhà nghỉ X. Cảm ơn anh đã cho em biết sự thật, dù nó rất đau lòng. Vĩnh biệt anh! Đừng bao giờ tìm em nữa. Chúc các anh hạnh phúc!"
Đúng là hậu quả quá đau lòng vì một phút đùa quá đà, anh ta đã mất bạn gái. Làm sao có thể thanh minh khi “tình ngay, lý gian” đến nhường ấy.
Ở đời, cái gì muốn giỏi cũng phải luyện tập thường xuyên. Lừa dối cũng vậy. Muốn lừa dối để người khác tin thì cần phải trau dồi liên tục để nó trở thành một kỹ năng. Nếu bạn là một tay lừa dối “nghiệp dư” thì bạn rất dễ bị lộ tẩy, chỉ cần nói vài câu người nghe đã thấy mâu thuẫn câu đầu với câu cuối.
Chuyện kể rằng có một anh chàng đi tán gái, anh ta “tóm tắt” sơ lược lý lịch của mình như sau: “Anh có rất nhiều ưu điểm như chẳng bao giờ hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất gây nghiện, cờ bạc, trai gái, anh rất giàu có, tài giỏi, khéo tay,… v.v. Anh chỉ có mỗi một khuyết điểm bé xíu là thỉnh thoảng còn… hay nói dối”.
Vậy đó, chỉ mỗi một câu cuối hớ hênh anh chàng nói trên đã “hiện nguyên hình”. Anh ta đúng là một tay nói dối khá “nghiệp dư”, nói nhanh hơn nghĩ!
Một câu chuyện khác, nhưng lần này người lừa dối là một phụ nữ:
Một cô buột miệng tâm sự với nữ đồng nghiệp:
“Hôm qua tớ tình cờ gặp ông xã bạn trên xe bus, anh ấy thật đẹp trai và nói chuyện thật hài hước. Anh ấy kể chuyện tiếu lâm làm tớ cười lăn lộn, cười đến độ ngã lăn từ trên… giường xuống đất.”
Vậy là đã rõ, giấu đầu hở đuôi, chỉ vì nói dối không chuyên nghiệp mà cô nàng đã tự khai ra tội lỗi của chính mình.
Nếu coi lừa dối là một “nghệ thuật” thì phụ nữ chính là một điển hình cho nghệ thuật này. Một cô gái kém xinh có thể dễ dàng đánh lừa, gây ảo giác cho đàn ông bởi khả năng… ngụy trang bằng son phấn, mỹ phẩm và lối ăn mặc. Tất nhiên những cô quá xấu thì ngụy trang không chưa đủ mà phải nâng nghệ thuật lừa dối lên một cấp độ cao hơn, đó là… hóa trang.
Và đó cũng chưa phải là tất cả, mới chỉ là lừa dối trên khuôn mặt, nhiều phụ nữ còn sử dụng các hình thức lừa dối khác mà đàn ông khó có thể nhận biết khi chưa đủ độ “thân thiết”. Hiệp hội các nhà sản xuất đồ lót toàn cầu công bố một số liệu thống kê khá sốc: Số lượng quần lót nâng mông và áo độn ngực của chị em mà họ sản xuất ra chiếm 1/3 tổng sản lượng hàng năm. Thế giới này có chừng 3 tỷ phụ nữ trẻ, vậy hàng năm sẽ có tới 1 tỷ vụ lừa dối, qua mặt đàn ông mà họ không hề hay biết. Tất cả trong số phụ nữ ấy đều có vòng một tràn đầy sức sống và vòng ba căng tròn như trái bóng. Thế mới biết, phụ nữ họ có khả năng lừa dối quy mô lớn ở cấp độ toàn cầu.
Tất nhiên cũng có một bộ phận không nhỏ đàn ông tham gia vào lực lượng “lừa dối” chị em, nhưng đa phần họ thường vụng về, thô thiển, kém tinh vi hơn rất nhiều. Có chuyện rằng:
Có anh chàng chuẩn bị đi tắm biển bèn hỏi lũ bạn:
- Làm thế nào để được các cô gái để ý trên bãi tắm?
Lũ bạn xúi:
- Đơn giản, mày cứ kiếm một củ khoai rồi nhét vào trong quần bơi ấy!
Anh chàng nghe lời làm theo, quả nhiên lúc đầu anh ta cũng được khá đông phụ nữ trên bãi tắm há hốc mồm nhìn ngắm, nhưng rồi sau đó tất cả trong số họ đều bò ra cười, làm anh chàng xấu hổ muốn độn thổ.
Hóa ra, thay vì nhét củ khoai phía trước, anh ta lại nhét nó ở phía mông.
Thế đấy, thích lừa dối mà kỹ năng lại vụng về thì chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ!
Nói như vậy không hẳn là đàn ông kém tài lừa dối và phụ nữ luôn luôn tỉnh táo trước những lời nói dối. Các nhà tâm lý ở ĐH Harvard, Hoa Kỳ chứng minh được rằng, câu nói có tính chất “lừa dối” nhất mà đàn ông thường xuyên sử dụng và phụ nữ lại thích nghe nhất đó là “Em đẹp quá!” hoặc một câu gì đại loại như vậy. Biết nói dối nhưng vẫn thích, có lẽ đối với phụ nữ thì hai bán cầu đại não của họ đều coi những câu như thế là một “lời nói dối chân thật!”.
Ngày nay, “lừa” được một ai đó thì người ta còn lấy làm tự hào, hãnh diện. Có nhiều người sau khi cưới được chồng (hoặc vợ) thì bất ngờ lên mạng xã hội mà khoe rằng: “Mới lừa được một anh (em)”. Tuy rằng chữ “lừa” ở đây có tính chất đùa cợt, hài hước nhưng nó cũng nói lên rằng, xã hội hiện đại những chuyện “lừa dối” này cũng không hiếm. Tất nhiên ở đời cũng chưa biết ai lừa ai, mà nhiều khi chỉ là có chịu để cho đối phương lừa hay không!
Đó là sự lừa dối mà ít nhiều được các cặp đôi công khai hoặc úp mở thừa nhận sau khi cưới. Còn tiếp theo đó thì sao? Chẳng có gì đảm bảo các cặp đôi ấy không tiếp tục lừa dối nhau thêm một cơ số lần nữa.
Có anh chàng than thở với bạn:
- Vợ tôi đã lừa dối tôi!
- Làm sao anh biết?
- Thì đêm hôm kia, cô ấy không về nhà. Tôi hỏi thì cô ấy nói là ngủ ở nhà Thủy – Bạn thân của cô ấy
- Nhưng rồi sao?
- Cô ấy lừa dối. Chính tôi mới là người ngủ ở nhà Thủy đêm đó!
Tất nhiên trong trường hợp này cả hai đều biết mình đã lừa dối đối phương nhưng chả ai dại gì mà “chưa khảo đã xưng”.
Chuyện lừa dối không chỉ dừng ở các cặp đôi, ở nước ngoài, các vị chính khách thường được xem là những đối tượng thường xuyên nói dối, vì vậy tại các cuộc thi nói dối cấp quốc gia hay quốc tế người ta thường không cho các thí sinh là chính trị gia tham dự bởi họ là dân nói dối… chuyên nghiệp.
Tại Mỹ, một chính trị gia đang trên đường đi vận động tranh cử thì bất chợt bắt gặp lũ trẻ đang vây quanh một con chó, chúng cãi nhau chí chóe. Ông liền dừng xe, lại gần hỏi chuyện.
Một cậu bé nói:
- Chúng cháu nhặt được con chó này, ai cũng muốn mang về nuôi nên chúng cháu quyết định là đứa nào lừa dối giỏi nhất sẽ được nuôi con chó.
- Các cháu không được thi lừa dối vì đó là điều tội lỗi – Chính trị gia khuyên nhủ - Khi ta ở tuổi các cháu, ta không bao giờ lừa dối và bây giờ cũng vậy...
Bọn trẻ con im lặng một phút rồi một cậu bé to con nhất thở dài:
- Thôi, đưa con chó cho ông ấy đi!
Vậy là chỉ với “năng khiếu” sẵn có, vị chính khách đó đã dễ dàng có được một món lợi. Nói dối cũng có lợi lắm chứ!
Lừa dối có nhiều biến thể, trong kinh doanh hàng hóa người ta lừa dối người tiêu dùng bằng hình thức đa cấp, bằng mẫu mã, bao bì, bằng sự ngon miệng… Trong quân sự, tình báo người ta lừa dối bằng nghệ thuật nghi binh, dương đông kích tây, gây nhiễu, tung hỏa mù… Hầu hết các vụ lừa dối thường chỉ có lợi cho người lừa dối, còn người bị lừa dối thì thiệt đơn thiệt kép. Chỉ rất ít trường hợp lừa dối là cần thiết và đáng trân trọng, ví như bác sỹ nói dối bệnh nhân về tình trạng bệnh tình nguy kịch của họ, và trong sinh tồn tự nhiên các loài vật thường phải lừa dối che mắt kẻ thù bằng những màu sắc, hoa văn hòa lẫn với môi trường sinh sống.
Các cụ thường nói “Thật thà là cha quỷ quái”, khi sự thật được phơi bày thì hậu quả của việc lừa dối rất tai hại. Vì vậy, hãy cố gắng nói thật khi có thể. Thế giới đã sinh ra ngày nói dối 1-4 hằng năm để con người thoải mái xả stress, cho những người thèm nói dối được vô tư thể hiện kỹ năng, để 364 ngày còn lại trong năm người ta sống thật với nhau, không phải đề phòng, đó có lẽ cũng là mong muốn của những người đã tạo ra ngày Nói Dối trên trái đất này!
Cử Tạ
|
|
|
|
Xin trân trọng giới thiệu TOP 100 TRUYỆN CƯỜI HAY NHẤT trong 10 năm qua, từ 2004 - 2014. Có thể một vài truyện cười trong top sẽ bị chê là "cười kiểu cũ", nhưng những ngày đầu internet bùng nổ, chúng thực sự là những truyện cười "hot" với dân nghiện truyện cười, nhất là với độc giả Hội Quán Cười đã thường xuyên cùng Cười 24H Mất Giấc Ngủ Trưa. |