Mùa thu, phiếm

Một nhà thơ gói xôi bỗng nhiên tức cảnh tuôn ra những dòng làm xấu cả mùa thu!

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”
Hẳn trong chúng ta chẳng mấy ai quên được những dòng lãng mạn, trong sáng của nhà văn Thanh Tịnh tả về mùa thu tựu trường ấy.
Cứ mỗi mùa thu đến tiết trời đẹp, khí hậu mát mẻ, gió thổi hiu hiu, lòng người lại trở nên lãng mạn hơn, do đó các tác phẩm nghệ thuật cũng ra đời phần lớn vào mùa thu.
Mùa thu đẹp đến sững sờ và kinh điển trong thơ của thi nhân xưa:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
(Tiếng Thu – Lưu Trọng Lư)

Vậy mà thu nay nhiều khi kém lãng mạn so với thu xưa, phỏng theo “Tiếng Thu”, một nhà thơ gói xôi bỗng tức cảnh tuôn ra những dòng làm xấu cả mùa thu:

Em đang lo vào thu
Suốt đêm nằm thổn thức?
Em đâm lo rồi bực
Tiền đóng học đầu thu
Cùng bao nhiêu khoản phụ

Em không yêu mùa thu
Lá thu như tiền bạc
Phụ huynh buồn ngơ ngác
Nhận về đống phiếu thu
(Tức Thu – Cử Tạ)

Có lẽ mùa thu ở đây chỉ “hạnh phúc” cho các nhà trường, còn với các bậc phụ huynh lại thường buồn man mác, có lẽ vậy nên mùa tựu trường thường rơi vào mùa “Thu” chăng?
Vậy đó, mùa thu lãng mạn trong ánh mắt thi sĩ bỗng nhiên trở nên “buồn tàn thu” trong nỗi mưu sinh thường nhật của cuộc sống!
Mùa thu lá rụng đầy đường, cây cối xấu xí trơ ra những cành xương xẩu, vậy mà có người lại chỉ mong mùa thu để thấy lá rụng:

Hai cô gái trẻ tới thăm Bảo Tàng Louvre ở Paris, Pháp. Cả hai mê mải đứng ngắm bức tượng Apollon nổi tiếng. Những bắp thịt cuồn cuộn trên tượng tỏa ra sức trai cường tráng. Tượng chỉ che có mỗi chiếc lá nho ở ngã ba tình. Hết nhìn tượng lại nhìn… chiếc lá nho, rồi một cô nuốt nước miếng thì thào với cô còn lại: “Ngốc quá, lẽ ra chúng mình phải đến đây vào mùa thu mới phải!”

Mùa thu đẹp và lãng mạn nên cái tên “Thu” cũng thường được đặt cho các cô gái. Con gái tên Thu rất lãng mạn và hay buồn vẩn vơ, tuy nhiên con gái tên Thu mà làm kế toán thì lại dễ dàng xin được việc làm hơn con gái tên Chi, bởi một lẽ thường tình doanh nghiệp nào chẳng muốn thu nhiều hơn chi!
Cuộc đời mỗi con người trải qua mấy chục mùa thu, đến tuổi xế chiều người ta thường gọi là tuổi cuối thu. Tuổi này bỗng dưng lại ngộ nghĩnh như những ngày thu đầu tiên:

Một ông tuổi cuối thu mới sắm được một đôi giầy rất ưng ý. Vừa bước vào nhà, ông liền khoe với vợ.
- Này bà! Bà có nhận ra điều gì khác lạ trên người tôi không?
Bà vợ liếc qua rồi đáp:
- Tôi chẳng thấy gì khác lạ cả! Vẫn cái áo ông mặc từ tuần trước. Cái quần cũng vậy!
Bực mình, ông vào phòng cởi bỏ hết quần áo, chỉ xỏ mỗi đôi giầy rồi ra hỏi vợ:
- Thế nào, bây giờ bà có thấy điều gì khác lạ trên người tôi chưa?
Bà vợ lắc đầu thở dài:
- Tôi chẳng thấy điều gì khác lạ cả. Vẫn là “cái kim đồng hồ” lúc nào cũng chỉ sáu giờ rưỡi!
Ông chồng phát cáu:
- Phải rồi! Nó chỉ sáu giờ rưỡi bởi vì nó đang nhìn xuống đôi giầy mới của tôi đây này!
Bà vợ bỗng tươi tỉnh hẳn lên:
- Ồ hay đấy, vậy ngày mai ông đi mua mũ mới đi nhé!

Mùa thu làm lòng người dịu xuống, buồn đi chút ít, thời gian dường như trôi chậm hơn nhưng ai cũng yêu, cũng háo hức mùa thu. Cụ già móm mém với chuối trứng quốc, trái hồng chín mọng, trai trẻ dúi tay nhau những hạt cốm sữa dẻo thơm gói trong lá sen xanh, trẻ con lại được ăn bánh, rước đèn… Ồ, mới đó mà đã sắp trung thu.

Cử Tạ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN