“Múa kiếm” với Romeo và Juliet về lịch sử

Có cháu được dạy ghét thực dân tới mức không biết cả ông Vích-to Hu-gô là ông nào.

 PV: - Cháu chào 2 cụ!

- Ấy chết, sao lại chào bọn tớ thế, “tổn thọ” lắm.

 PV: - Dạ, dù các cụ không còn “thọ” nữa nhưng tính tới nay cũng vài trăm tuổi. Cháu đâu dám vô phép!

- Ờ ờ, bọn tớ cũng oách đấy nhỉ. Nhưng hồi còn sống, bọn tớ cũng chừng tuổi cậu. Toàn là tuổi thanh niên cứng, cứ anh em cho nó tình củm.

- Juliet: Cứ tự vẫn, à quên, tự nhiên như trong công viên đi hót-boi.

 PV: - Dạ, không dám ạ. Tình yêu của 2 cụ nổi tiếng quá, vài trăm năm sau bọn cháu vẫn còn ngưỡng mộ. Vừa say mê chuyện tình của các cụ, vừa cảm thấy đau thương.

- Đau thương thì đúng, chứ có gì đáng ngưỡng mộ đâu. Thời Napoleon còn chưa có mà cởi truồng ấy, tình yêu đẹp như bọn tớ có mà đầy. Sở dĩ bọn tớ nổi tiếng chỉ vì bọn tớ dám ngỏm củ tỏi vì tình thôi.

PV: - Nghĩa là?

- Uh, thì hồi đó đánh nhau giữa các gia đình, dòng họ liên miên, như cơm bữa ấy mà. Có bữa tớ đang ăn cơm, thấy leng keng ngoài đường. Chạy ra thì thấy thằng bạn thân bông-jua bị đâm vì tội nhìn đểu thằng bông-xoa. Gớm, dòng họ 2 nhà thằng đó đặt tên đã biết là đối nhau như mặt trăng mặt trời rồi. Nhưng dù gì đấy chỉ là đối với nam giới riêng, chứ tình yêu giữa những người ở 2 dòng họ thù địch cũng nảy sinh nhiều, bọn tớ chỉ là một trong rất nhiều.

 PV: - Cháu cứ ngỡ chỉ có 2 cụ là đại diện của những người tiến bộ, tình yêu vượt qua hận thù, ghen ghét dòng họ chứ ạ?

- Làm gì có. Rất nhiều ấy chứ. Tớ bảo rồi. Bọn tớ chỉ nổi tiếng vì đã ngỏm củ tỏi vì tình yêu thôi. Bọn tớ sẵn sàng chết vì không chịu thù ghét nhau theo lời dạy của ông bà, bố mẹ thôi. Hai zà, nghĩ lại một thời mà đau lòng. Tại sao bọn tớ phải đeo mối thù truyền kiếp giữa hai dòng họ mà bọn tớ chẳng liên quan chứ? Cho tới giờ này, vài trăm năm suy ngẫm cũng nhau, bọn tớ chẳng biết bọn tớ có phải là bọn lạc loài không nữa. Theo nhà báo thì thế nào?

 PV: - Ối giời ơi cụ ơi, cụ đụng đúng nỗi đau của cháu. Nhiều khi cháu tự hỏi cháu có phải là con chiên lạc đạo hay không vì cháu phần lớn là quan tâm tới tình hình đất nước hiện tại, dành phần ít quan tâm tới lịch sử. Chuyện ông này lật đổ ông kia, ông giáo này bị lợi dụng, ông tướng kia đối lập, vân vân… cháu biết sơ sơ vậy. Không phải là cháu ngu đâu cụ ạ, chỉ là cháu nghĩ nhiều chuyện phải quan tâm hơn nhiều so với mấy chuyện của các thế hệ trước.

- Chuẩn men. Nhà báo nghĩ giống y như tớ. Vì mấy chuyện này mà bố tớ cấm đánh bạc, đấu kiếm mấy tuần, lại cắt vài cái rì-zọt 5 sao ở Las Vegas. Buồn khổ vô cùng nhưng vẫn chưa khổ bằng Juliet. Nghe đâu bố mẹ nàng đã dùng hình phạt đau thương nhất dành cho cánh nữ giới, đó là cấm nàng soi gương trong vòng 2 ngày. Thấy nàng teo tóp mà lòng tớ cũng héo hon.

 PV: - Thì chính cháu đây, ương bướng ngang ngược quá, bố mẹ nhốt ở nhà, bắt học sử theo mấy cuốn sách do bố mẹ cháu viết bằng lối yêu, ghét của các cụ. Ép quá thành ra cháu ghét cả sách. Vì thế ngày còn nhỏ chẳng chịu học hành, giờ không nghề ngỗng gì nên phải đi viết báo. Mới đây mới kiếm được cái bằng giáo sư ạ.

- Thôi chịu khó vậy. Tớ thấy nhà báo tuy là có bằng giáo sư nhưng ăn nói cũng khá có học đấy chứ.

 PV: - Đâu dám ạ. Chính ra cháu đã đi làm kinh doanh, giàu có rồi. Vì tức quá với bố mẹ nên quay lại học sử xem thế nào. Nhưng càng học lên cao, cháu càng hoang mang vì phải nhớ ngày tháng năm sinh của mấy ông vua bà chúa mà đến các ông bà ấy cũng chẳng tổ chức sinh nhật. Chỉ có mỗi cảm xúc yêu, ghét mà người viết sử truyền lại là cháu học được nhiều vô kể, dồi dào tới mức mà có thể viết văn hay như hát, yêu thì cuồng nhiệt còn ghét thì… ngã nghiệt.

- Ờ ờ, cụ cũng thấy thế. Hôm trước 2 cụ bay trên trời, gặp mấy con rồng bà tiên. Thấy bảo được các cháu yêu lắm. Thế là tốt. Nhưng cụ cũng thấy ghét lại ghét quá. Có cháu được dạy ghét thực dân tới mức không biết cả ông Vích-to Hu-gô là ông nào. Chết chết.

 PV: - Vâng, quả là rất nguy hiểm. Nhưng vấn đề là do đâu?

- Còn do đâu nữa. Tết năm ngoái bác theo mấy ông táo lên thiên đình, thấy Ngọc Hoàng giáo cho ông Táo Sử cả nhiệm vụ viết cả sách Giáo dục công dân. Ông này nghe thiên hạ đồn là vô cùng lười, thành ra gộp cả sử và giáo dục công dân làm một, vừa dạy sử, vừa dạy tâm tư tình cảm cho nó nhàn.

  PV: - Trời đất. Sử là sử, tình cảm là tình cảm chứ ạ.

- Thì thế, ông Táo Sử làm tớ nhớ đến bố mẹ tớ. Các cụ vừa kể cho tớ quá khứ đã xảy ra điều gì, vừa bắt tớ phải yêu ai, ghét ai theo các cụ mà không để tớ có những đánh giá riêng. Ông Táo Sử của các cậu cũng thế, bắt các cậu học thuộc lòng, nên yêu ai, nên ghét ai. Tớ cứ tưởng họ nên thúc đẩy tư duy phê phán, tranh luận dựa trên lý tính, tiếp cận đa chiều. Nào ngờ… Nguyên nhân là Ngọc Hoàng bắt ông Sử làm cả giáo dục công dân nữa. Tuổi trẻ và trường học là mảnh đất màu mỡ để gieo nhiều loại hạt giống khác nhau. Vì vậy cần chọn hạt giống của tư duy khoa học, lòng vị tha và tình bác ái thay vì hạt giống thù hận, chia rẽ và bạo lực.

  PV: - Vâng, theo khuôn mẫu thế thì lấy đâu ra sáng tạo và phản biện. Cháu thấy 2 cụ ngày xưa đã có tinh thần phản biện thế rồi, quả là hiếm có, không hổ danh lưu truyền tiếng thơm trong thiên hạ tới muôn đời.

- Haha. Tớ cũng thấy cậu tuy là nhà báo nhưng cũng hiểu biết đó. Quả là hiếm có.

  PV: - Hiếm có

- Hiếm có.

Tân Bờm

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN