Giai thoại về thầy Văn Như Cương
Giáo Sư Văn Như Cương sinh 1937 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Ông là một nhà giáo, nhà biên soạn sách giáo khoa nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là người thành lập ra trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam ở thời kỳ đổi mới (Trường Lương Thế Vinh - Hà Nội). Xung quanh ông có khá nhiều giai thoại rất hài hước và dí dỏm như đúng bản tính của ông vậy.
Chuyện “phó tiến sỹ lợn”
Năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, mặc dù là phó tiến sỹ nhưng lương của ông chẳng đủ ăn. Nên gia đình ông đã quyết định cải thiện cuộc sống bằng cách nuôi lợn. Nói là làm, ông cho quây một góc sân nhà tập thể lại để làm chuồng. Do mát nay nên lợn ông nuôi lớn nhanh như thổi. Sau mỗi lần xuất chuồng thì kiếm thêm được 70 đồng bằng đúng số tiền lương của một phó tiễn sỹ thời đó, nên ông thường nói vui: “Trong nhà có hai phó tiến sỹ. Một phó tiến sỹ không bao giờ kêu ca, không tiêu xài tốn kém, chỉ ăn rồi lớn”.
Nhưng việc nuôi lợn cũng chỉ được một thời gian, vì không đủ tiền mua cám, ông phải cho “tiến sỹ” lợn "bảo vệ luận án” sớm. Nói vui theo kiểu của ông là: “Bảo vệ sớm vì hết đề tài (rau, cám)”.
Cũng liên quan đến chuyện nuôi lợn, có một giai thoại kể rằng: Lần đó ban quản lý tập thể đến lập biên bản để phạt ông vì để lợn gây ồn ào và mất vệ sinh, biên bản có đoạn: “Giáo sư Văn Như Cương nuôi một con lợn…”, ông nhất định không chịu ký yêu cầu phải sửa lại: “Con lợn nuôi giáo sư Văn Như Cương…”.
Vế đối nổi tiếng và ước mơ trở thành nhà văn
Tuy là một giáo viên dạy Toán nhưng Giáo Sư Văn Như Cương cũng rất đam mê Văn học nghệ thuật. Khi về giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng nghiệp bên khoa Văn thấy một thầy giáo dạy Toán, lại có họ tên là “Văn Như Cương” bèn thử tài văn chương của “ông đồ xứ Nghệ” (ngày đó thầy Cương đã để râu dài, rất ra dáng ông đồ xưa), bằng cách ra câu đối: “Văn như Văn Như Cương”. Không cần nghĩ ngợi nhiều, thầy Cương đối lại: “Võ nguyên Võ Nguyên Giáp”.
Đó là một vế đối quá chỉnh nhưng lại đưa tên vị Đại tướng lừng danh vào đây nên nhiều người ngại “phạm húy”, không dám truyền tụng rộng. Bà Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, (bà là người có họ hàng với Giáo Sư Văn Như Cương) ngày ấy cũng công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội; biết chuyện, bà vui miệng kể lại với chồng. Nghe xong Đại tướng Võ Nguyên Giáp tủm tỉm cười khen: “Giỏi, đối như vậy là rất chỉnh. Người thông minh mới làm được như vậy”.
Giai thoại này về sau có người phịa ra để trêu đùa rằng, chính giáo sư Văn Như Cương là người đưa ra câu đối: “Võ nguyên Võ Nguyên Giáp” để mọi người phải đối lại là: “Văn như Văn Như Cương”.
Cũng vì đam mê Văn học nghệ thuật, nên tuy nay đã 76 tuổi nhưng Giáo Sư Văn Như Cương vẫn có mơ ước “cháy bỏng” là sinh được một cậu quý tử để đặt tên là Văn Như… Mắm. Mắm sẽ được dạy dỗ, hướng nghiệp để trở thành một nhà văn nổi tiếng và là… Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Nghe vậy có người hài hước hỏi: “Thầy có phải là người đam mê chức tước đâu mà sao có ước mơ đầy quyền quý đến thế?”. Giáo sư Văn Như Cường cười rung cả râu nói: “Mình chẳng mong muốn gì chức tước, quyền lực cả, nhưng mình sẽ cảm thấy rất thú vị khi được nghe người ta dõng dạc hô lên: “Kính mời Nhà văn Văn Như Mắm, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lên phát biểu ý kiến!”.
Bộ râu nổi tiếng
Nói về Giáo Sư Văn Như Cương không thể không nói tới bộ râu dài của ông. Bộ râu này của ông để từ những ngày còn học ở Liên Xô. Khi về nước ông vẫn để râu như thế, chính vì bộ râu này mà ông gặp rất nhiều rắc rối như suýt không xin được việc làm, không được lên truyền hình, không được tăng lương… vì thời đó người ta quan niệm rằng, để râu dài hoặc cạo trọc đầu là có vấn đề hoặc bất mãn gì đó.
Giáo Sư Văn Như Cương kể: “Nhiều lần tôi đang lim dim ngủ, mẹ tôi bàn với vợ tôi là phải tìm cách làm xấu bộ râu của nó, để nó phải cạo đi. Còn trẻ ai lại để râu như thế, trông không hợp tí nào”.
Sau đó ông đã tìm cách thuyết phục vợ: “Em ơi, anh để râu là rất có lợi. Giờ ai cũng biết chỉ có ông Cương ở trường sư phạm mới có bộ râu này. Anh đi ra đường mà làm việc gì khuất tất, sàm sỡ thì ai cũng biết”.
Và cuối cùng ông đã thuyết phục được cả mẹ và vợ.
Thấy Giáo Sư Văn Như Cương râu dài trắng muốt như ông Tiên mà lại ít tóc, có người thắc mắc, ông dí dỏm đáp: “Tại cái mồm tôi làm việc nhiều, còn cái đầu tôi làm việc ít”.
Có một giai thoại rất thú vị về bộ râu của ông như sau:
Thời đất nước còn chiến tranh, khi đó bộ râu của Giáo Sư Văn Như Cương còn đen nhánh, thoáng nhìn nom hệt Che Guevara. Có lần ông và đoàn thầy giáo thời chiến đi ngang một cửa hàng mậu dịch mà ai cũng thèm thuốc lá. Ông bèn giả làm người nước ngoài, rồi cùng một thầy dạy tiếng Nga vờ làm phiên dịch rồi bước vào cửa hàng. Sau khi ông xổ ra một tràng tiếng Nga thì thầy giáo kia phiên dịch: “Đây là đồng chí là chuyên gia người Nga đang phụ trách trận địa tên lửa. Đồng chí ấy cần mua một ít thuốc lá”.
Cô mậu dịch nói rằng muốn mua thuốc lá thì phải có tem phiếu. Thầy Văn Như Cương lúc này vẫn trong vai chuyên gia Nga lại xì xồ để người bạn phiên dịch tiếp: “Nhưng không có thuốc lá thì đồng chí chuyên gia không điều khiển tên lửa được đâu”.
Cô mậu dịch viên đồng ý nhưng cũng chỉ đồng ý bán cho một bao. Nhưng “đồng chí chuyên gia Nga” Văn Như Cương lắc đầu nói rằng: “Phải một tút mới được. Cần thì cô mời cửa hàng trưởng xuống”.
Sau đó cửa hàng trưởng xuống thật và vị này đã đồng ý bán cho “đồng chí chuyên gia Nga” Văn Như Cương cả một tút thuốc. Ông cầm tút thuốc và chia cho mỗi người trong đoàn một bao. “Đó là lần duy nhất trong đời tôi dùng bộ râu của mình để đi “lừa” người khác” – Giáo Sư Văn Như Cương chia sẻ.
Còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện hài hước và thú vị khác xung quanh người thầy giáo già nổi tiếng Văn Như Cương, có dịp sẽ xin kể hầu quý vị độc giả. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11, xin trân trọng gửi tới các thầy cô lời chúc mừng sức khỏe, lời tri ân sâu sắc, mong các thầy cô luôn yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp trồng người dù ở đâu và ở bất kỳ độ tuổi nào, đúng như tinh thần sư phạm trong những câu thơ của người thầy giáo già Văn Như Cương:
“Ta phải về thôi, tuổi xế chiều
Dẫu còn dan díu chút tình yêu
Bài ca sư phạm không đành bỏ
Sự nghiệp trồng người vẫn cố theo…”