Đừng nói chuyện người lớn trước mặt trẻ

Trẻ em thường hay bắt chước người lớn, thậm chí chúng còn hay tường thuật nguyên văn những chuyện của cha mẹ, anh chị với người khác nhiều khi làm người lớn phải “ngượng hết cả mặt”. Vì vậy những người được cho là “lớn” chúng ta cần chú ý lời ăn tiếng nói, kẻo những câu chuyện như dưới đây vốn không dành cho trẻ lại được chúng học tập, sao chép và vô tư tả lại giữa chốn đông người.

Áp dụng lời mẹ dạy
Bé Tuấn Sơn ở một trường tiểu học Đà Nẵng học giỏi toàn diện, đặc biệt môn Toán, có điều cháu có một tật xấu, trước giờ học toàn thoa nước miếng lên đầu. Bạn bè trong lớp đem chuyện mách cô, nhưng mãi bé không sửa được, thậm chí còn chuyển sang thoa lén lút. Thấy kỳ kỳ cô chủ nhiệm đã tìm cách nói chuyện với bé để tìm ra nguyên nhân. Câu chuyện bé kể làm cô giáo ngượng chín mặt, nhân họp phụ huynh cô đã phải góp ý riêng với mẹ cháu. Hóa ra ban đêm đi ngủ, nhiều lần cháu cứ nghe mẹ thì thào dặn ba: “Anh phải thoa nước miếng lên đầu cho dễ vô”. Bé nghe trộm được và nghĩ: Thoa nước miếng lên đầu học cho dễ vô!

*
* *

Hiểu nhầm “mật mã”
Còn bé Minh Anh, tiểu học Thành Công, Ba Đình, Hà Nội có bố mẹ làm ở chương trình dự báo thời tiết đài truyền hình, kể trong bài văn chủ đề “Buổi tối ở gia đình em” rằng: “Bố mẹ em bị mắc bệnh nghề nghiệp hay sao ấy, suốt ngày nói chuyện thời tiết, thậm chí tối đi ngủ cũng nói chuyện thời tiết, câu nói quen thuộc bố em thường hay nói với mẹ trước khi đi ngủ là “tối nay có mây mưa tí không em?”.

*
* *

Lời ru lạ?
Người ta thường nói “thật thà như trẻ con” quả không sai. Bé Hoàng Mai, trường tiểu học Trần Văn Ơn, Biên Hòa, Đồng Nai là một ví dụ. Trong bài văn “Lời ru của mẹ” bé đã viết như sau: “Đêm nào trước khi đi ngủ mẹ cũng xoa lưng và ru em, mẹ thường ru em bằng câu ca dao: “À ơi… Con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm…  từ từ để con nó ngủ đã nào”.

*
* *

Bà cụ non
Bé Xuân Nhi 5 tuổi, trường mầm non 10-10, Quận Hoàng Mai, Hà Nội thì tỏ ra rất “già đời”. Bữa cơm kết thúc, thấy mẹ lấy tăm mà không lấy cho bố, bé lật đật chạy đi lấy đưa cho bố, rồi bé quay sang mẹ trách: “Sao mẹ không lấy tăm cho bố, dẫu sao ông ấy cũng là chồng của mẹ cơ mà!”. Cả nhà vừa “choáng” vừa không nhịn được cười, nhưng chưa hết, đến lúc mẹ bé gọt xoài, đánh rơi một miếng xuống nền nhà, bé quay sang bố lắc đầu rất “bà cụ non” rồi chép miệng: “Đấy bố xem, vợ bố đấy, hậu đậu thế là cùng!”. Lần này cả bố lẫn mẹ bé cười chút nữa thì sặc cả xoài.

Cử Tạ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN