Có một thời ta đã sống (6): Anh em ta cắm... quán

9h sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, mời các bạn đón xem loạt blog vui dài kỳ về cuộc sống sinh viên xưa.

Cười suốt 24H
Ngoài chuyện cơm bụi thì “cắm quán” cũng là một thuộc tính quan trọng của sinh viên. Trong KTX có một số cô quản lý đấu thầu bán trà đá, nhân trần, thuốc lá, kẹo lạc, kẹo cao su, quẩy ngọt, bánh rán, xoài xanh, cóc, ổi... nói chung cũng khá đa dạng. Ăn cơm xong hoặc có bạn bè trường khác đến chơi chúng tôi thường kéo nhau ra đây để “đập phá”, nhưng thường cũng chẳng có tiền nhiều để làm chuyện đó, nên chủ yếu là mua chịu và ký sổ nợ, có tiền thì trả đó chính là “cắm”.

Hai cô quản lý có tên là cô Huy và cô Quýt, chúng tôi thường gọi là U rất trìu mến. U Quýt có một cô con gái khá xinh, kém chúng tôi dăm ba tuổi hay ra bán thay cho mẹ nên đông khách hơn hẳn quán U Huy. Thằng Thái “diến” người Hà Tây phòng tôi thích em này ra mặt, nó thường xuyên ra đó ngồi à ơi em đến độ số nợ đọng tiền cắm quán của nó đến tận ngày ra trường vẫn chưa trả hết. Có lần gần đây tình cờ gặp U Quýt, U vẫn nhắc nhờ tôi đòi hộ. Ngày ấy thằng Thái “diến” có một câu cửa miệng mà chúng tôi nhớ mãi, đó là mỗi lần nhìn thấy U Quýt trong trong KTX là nó lại hỏi:

- Hôm nay con gái U có bán hàng không để con ra... cắm một cái!

Nó nói vô tư thôi nhưng chúng tôi thì toàn nghĩ xiên xẹo ra những điều đen tối.

Ngồi quán trong KTX chán thì chúng tôi lê la ra các quán ở cổng. Điều thú vị và hấp dẫn chúng tôi ở đây chính là các em bán quán, toàn em xinh đáo để. Nói là em nhưng thực chất đều hơn chúng tôi vài ba tuổi, ở sau lưng chúng tôi toàn vui mồm gọi là em cho thêm phần thi vị. Bách Khoa con gái tỉ lệ xinh rất thấp lại kiêu kiêu, hâm hâm nên việc những quán trà đá vỉa hè có những em gái xinh xinh phần nào giúp chúng tôi cân bằng hơn trong cuộc sống.

Em Thảo, chủ một quán trà đá đối diện cổng KTX, rất xinh, mặt tròn như trăng rằm, nhà em ở xóm liều Thanh Nhàn. Em nói chuyện điêu và đong zai như diễn. Các zai ngồi quán toàn được em khen đẹp trai, khỏe mạnh và ăn nói có duyên. Em Thảo có một bí quyết mà các chú sinh viên luôn phải quay lại quán em, đó là em thường không lấy hết số tiền phải thanh toán, ví dụ: bạn ngồi quán hết 1.000 đồng, em Thảo sẽ nói:

- Chị lấy 800 thôi, cho nợ 200 để lần sau nhớ quán chị!

Gớm, xinh và khéo như em Thảo thì “Thảo Mai” phải gọi bằng cụ, các chú sinh viên thoát thế nào khỏi lưới chị giăng. Tôi để ý thấy có mấy chú “gà” si tình thi thoảng còn đem quà biếu chị.

Chếch xa một chút về bên tay trái KTX là quán em H. hơn chúng tôi 3 tuổi không xinh bằng Thảo nhưng nom rất duyên, nói năng rất đĩ mồm, thi thoảng chửi thề và văng cả của quý ra làm chúng tôi đỏ hết cả... lưng vì ngượng. H. ăn mặc khá thoáng, cổ áo sâu và mỏng, khe ngực trắng hồng căng mọng cứ phập phồng thấy rõ. Nhiều thằng uống nhân trần của em vừa uống vừa nhìn khiến cốc nước đầy bọt, té ra nước dãi chảy xuống cốc chứ có uống được ngụm nào.

Mãi về sau chúng tôi mới biết, H. nhà ở Vân Hồ, có một dạo em làm cave ở công viên Thống Nhất, thảo nào! Biết em là cave nhưng chúng tôi ai cũng quý em, vì em rất thật thà và thương người, có lần một thằng mới về quê, ví còn khá căng, ngồi uống nước đánh rơi ở đó, em đã nhặt và trả lại không thiếu một xu. Đôi ba lần nhà em cúng giỗ, em đem xôi gấc, giò lụa ra cho chúng tôi ăn, nói là “chị thương bọn mày đói khát, cái gì cũng thèm”. Trong một lần xúc động hiếm hoi, H. khóc tâm sự với tôi rằng: “Giá như bố chị không mất sớm, mẹ chị không đau yếu thì chắc chị cũng là sinh viên như bọn em rồi!”.

Công “xoăn” phòng tôi thích H. lắm, đôi khi ra quán thấy có bánh xà phòng Zest hay Fa gần hộp thuốc lá là chúng tôi biết ngay Công “xoăn” lại tặng. Có lần Công “xoăn” còn cao hứng nói: Sau này ra trường tao sẽ lấy H. làm vợ! Chỉ tiếc rằng Công “xoăn” học mãi mà chẳng chịu ra trường và một thời gian sau H. cũng đi đâu mất không còn bán quán nữa, không ai biết được một thông tin nào về em.

Chúng tôi cứ nhớ H. mãi. Một người con gái tuy bị cuộc đời quăng quật nhưng vẫn giữ được rất nhiều nét nhân hậu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cử Tạ ([Tên nguồn])
Có một thời ta đã sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN