Có một thời ta đã sống (19): Tá lả đại cương

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 15 16 17 1819

9h sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, mời các bạn đón xem loạt blog vui dài kỳ về cuộc sống sinh viên xưa.

Những buổi tối nhàn rỗi không phải lên giảng đường ôn bài, chúng tôi thường tổ chức đánh tá lả (đánh phỏm) quẹt râu. Vì nhọ nồi hơi bị hiếm nên phòng tôi nghĩ ra cách thổi mực trong ruột bút bi ra để bôi. Cả mực đỏ lẫn mực xanh cho nó sinh động. Những đứa ngồi chầu rìa sẽ thực hiện nhiệm vụ... đao phủ, thằng nào bét tĩ sẽ bị đao phủ quệt một đường mực bút bi trên mặt. Thằng Hùng “hục” thường được giữ chân đao phủ bởi nó không biết chơi tá lả và có ngón tay to bè nên quệt được nhiều mực nhất. Chỉ chơi chừng ba mươi phút là đã không nhịn được cười, thằng nào thằng nấy mặt như đặc công đánh trận.

Do chỉ giữ mỗi nhiệm vụ “chuyên trách” là bôi nhọ lên mặt thằng khác nên thằng Hùng “hục” nghĩ ra rất nhiều kiểu bôi quái dị, hết sức hài hước, đầu tiên đơn giản chỉ những hình có tính chất trực quan sinh động như vẽ ria mép, gọng kính quanh mắt, chấm tròn lên mũi, vẽ chữ X lên trán… sau đó Hùng “hục” bắt đầu có những tư duy trừu tượng hơn, nó sáng tạo ra kiểu vẽ chữ L bên mép phải, chữ N bên mép trái rồi sau đó chờ có cơ hội là nó vẽ tiếp dấu. Thậm chí thằng này còn có văn hóa đến độ, hình các bộ phận thay vì vẽ trên trống đồng như các cụ xưa thì nay được nó thể hiện lên mặt người, mà nét vẽ của Hùng “hục” rất có… hồn khiến thằng nào nhìn cũng bò ra cười.

Chưa hết, Hùng “hục” còn có trò rất tai quái là bệt mực bi lên lông mày những thằng bị thua, bên mày đỏ, bên mày xanh, trông hệt như các diễn viên hề trong các chiếu chèo, phường tuồng bị trang điểm hỏng. Mực bút bi quệt ngang lông mày cực kỳ khó tẩy rửa, cọ rát cả mặt vẫn còn chưa sạch nên chúng tôi phải đề ra luật chơi, thằng nào bét có thể nợ một quệt, ván sau vẫn tiếp tục bét thì sẽ bị một quệt lên lông mày, vì vậy cuối buổi chơi thằng nào mà có cả cặp lông mày bằng mực bi xanh đỏ sẽ đồng nghĩa với trình độ tá lả thấp như… gián.

Chán chơi trò quệt nhọ, chúng tôi chuyển sang chơi trò đánh bài có thưởng phạt bằng tài chính, thiên hạ thường hay dùng từ “cờ bạc” có ý miệt thị trò này nhưng chúng tôi nhất quyết không dùng bởi đơn giản sinh viên sống trong ký túc xá đâu có nhiều tiền, vui chơi có thưởng là chính. Mỗi lần chơi thường chỉ là 1, 2, 3 (về nhì mất 100 đồng, ba mất 200 đồng và bét mất 300 đồng). Tuy là không có tính chất “cờ bạc gạo” nhưng nó cũng gây nghiện ra phết, có nhiều hội cũng chong đèn thâu đêm đến sáng, hôm sau mệt phờ râu, bỏ cả bút nghiên, giảng đường.

Đã thế đánh bài ăn tiền còn phải đối phó với bảo vệ KTX. Ngày đó KTX Bách Khoa có một gã bảo vệ tên là C, chúng tôi gọi là C “điên”, to cao lừng lững như con gấu, tính tình hung hãn, võ công khá cao thủ, cứ thằng nào đêm hôm uống rượu trèo cổng phá quấy là C “điên” ra đòn, mỗi lần chỉ vài cái bạt tai thôi nhưng thằng nào thằng nấy quay táng, đảm bảo tỉnh rượu luôn.

Trở lại chuyện tá lả, hôm nào C “điên” phát hiện có đánh tá lả ăn tiền là bất ngờ đạp cửa xông vào. C “điên” sẽ bạt tai một thằng nào đó để thị uy, mấy gã còn lại sẽ nhào vào thu tiền, theo lý lẽ của bảo vệ thì đây là “tiền bất chính do cờ bạc mà có” nên phải sung công. Nói là sung công nhưng không hề ghi sổ sách, lập biên bản, chẳng có biên lai phạt tiền. Tuy nhiên trò chơi tá lả ăn tiền của chúng tôi dẫu sao cũng vi phạm nội quy KTX nên chẳng thằng nào dám ho he nửa lời, chỉ dặn nhau về sau phải chốt cửa chặt hơn, che ánh sáng khe cửa bằng chăn cho kín đáo và nói thật khẽ.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 15 16 17 1819

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cử Tạ ([Tên nguồn])
Có một thời ta đã sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN