Có một thời ta đã sống (1): “Ma mới” nhập trường
9h sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, mời các bạn đón xem loạt blog vui dài kỳ về cuộc sống sinh viên xưa.
Cười suốt 24H
Năm 1992, ngày đầu tiên nhập trường BKHN, sau khi làm các loại thủ tục trên hội trường C2, tôi cùng một lũ mặt mày ngơ ngác như chúa tàu nghe kèn được một cô già dẫn xuống nhận phòng ký túc xá (KTX). Đó là dãy nhà 4 tầng cũ kỹ tường rêu mốc loang lổ có tên B8 nằm ngay sát hàng rào chỗ góc cua ngã ba đường vào cổng trường và đường vòng ra Bộ Giáo dục (đường Trần Đại Nghĩa bây giờ).
Mới rẽ vào cửa của dãy nhà đã nghe một mùi khai khăn khẳn bởi ngay gần cửa là hệ thống toilet, nhà tắm sinh viên.
Phòng của chúng tôi có cửa sổ quay ra khu “tam giác vàng”, sở dĩ gọi là thế là bởi đó là dãy quán bán cơm bụi cho sinh viên được quây trong một hàng rào hình tam giác, nằm sát con sông Tô Lịch thơ mộng thối um thiên địa. Tôi gọi là khu tam giác vàng, gọi thế cho nó keny sang và để phân biệt với khu “tam giác đen” mà có dịp tôi sẽ kể sau.
Chếch bên tay trái KTX, băng qua chiếc cầu bắc qua dòng Tô Lịch êm ả (có chảy quái được đâu mà không êm ả) là một dãy quán cơm bụi tư nhân khác chạy dài ra đến tận một ngôi nhà 2 tầng, đó là nhà ăn sinh viên của trường, qua nhà ăn sinh viên lại đến một dãy quán cơm bụi khác. Các quán trà đá cũng vô thiên lủng. Như vậy về cái khoản ăn uống là không phải lo, chỉ sợ không có tiền.
Ngoài dãy B8 sát đường mà chúng tôi ở thì còn có ba bốn dãy nhà khác như B5, B6, B7, B7 bis (dành cho sinh viên người nước ngoài ở), B9, và B13 ở góc trong cùng (dành cho sinh viên nữ). KTX còn có một sân bóng đá mini, một số xà đơn, xà kép để tập thể dục.
Trong phòng kê 6 chiếc giường 2 tầng bằng sắt, chúng tôi bốc thăm chọn vị trí. May mắn bốc được chiếc giường tầng 2 ở hàng giữa, tôi mừng thầm trong bụng vì ở vị trí này tôi sẽ ít bị khách khứa bạn bè phòng hàng xóm ra vào đặt mông ngồi nhờ nên chắc sạch sẽ hơn và đỡ mất trộm đồ. Tính toán này của tôi về sau quả nhiên là đúng, bằng chứng là tôi là thằng cuối cùng trong phòng bị ghẻ cộng hắc lào và đã giữ được chiếc quạt điện con cóc cho đến tận ngày ra trường.
Tài sản mỗi đứa là một chiếc rương bằng gỗ hoặc tôn hoa vừa dùng đựng sách vở, quần áo, đồ dùng cá nhân và vừa làm bàn học. Chiếu, gối, chăn, màn mỗi đứa một bộ, tất nhiên là lấy từ nhà đi hoặc “đổi” bằng tiền ở chợ Đồng Xuân. Có đứa còn vác tới cả chiếc đàn ghi ta và bàn cờ tướng, đứa nào cũng tỏ ra “nhân chi sơ tính bản thiện” y như trong Tam Tự Kinh.
Chúng tôi bắt đầu trổ tài trang trí chuồng của mình bằng cách dán các loại giấy báo, tranh ảnh, poster diễn viên, ca sĩ lên tường. Rồi chăng dây phơi, đóng đinh buộc màn. Muỗi ở đây nhiều kinh khủng, nhiều đến mức có hẳn thành ngữ “Muỗi Bách Khoa, ma Văn Điển” mà bọn Kinh Tế, Xây Dựng gần đó toàn nói lái “đểu” thành: “Gái Bách Khoa – Ma Văn Điển”!
Phòng toàn con trai nên bỏ hẳn được khoản ri-đô, đứa nào thay quần áo, lịch sự thì núp ra sau cánh cửa, còn không thì cứ thế nhồng nhỗng giữa phòng, toàn đực rựa với nhau có mất gì đâu mà ngại.
Mấy thằng rủ nhau làm một cái bàn thờ để thắp hương trước mỗi lần thi cử. Ngày rằm, mùng một chung nhau tiền mua nải chuối, xì xụp khấn vái xong thì lấy xuống bổ sung vitamine cho cả phòng.