Chuyến xe "bão táp" của cặp tình già (Nhật ký phiêu lưu ký - P34)
Sau vài giây, xe đi êm ái trở lại. Rồi bất chợt nó lại chồm lên... Cứ thế vài lần, bà con trên xe la oai oái, túi ni-lon được trưng dụng tối đa.
Tổng thời gian dừng lại xử lý có dễ đến 8 phút rưỡi, ngần ấy cũng chỉ đủ để dọn một buồng bệnh chứ mấy.
Xe đi vào đoạn đường cao tốc, chắc thế vì thấy xe nào cũng phóng vun vút, có điều mình để ý mãi mà không thấy cái biển hạn chế tốc độ dưới. Chắc mắt mũi hỏng rồi. Chạnh lòng nghĩ đến cái tuổi già. Dựa vào người chồng, nghe tiếng tim anh đập thình thịch. Chạnh lòng tập 2 vì thấy anh xã vẫn còn sung sức lắm.
Êm ái quá, mình lâng lâng chìm vào giấc ngủ giữa một không gian ngập tràn hương... hắc... Bỗng thấy chiếc xe rung lắc dữ dội, mình mệt quá, không thể ngóc đầu lên được, báo hại cái đầu cứ nảy lên nảy xuống trên vai chồng mãi, đôi vai gầy giơ xương... Thấy anh xã mở miệng định nói gì đó nhưng vì đường xóc quá, hai hàm răng cứ va vào nhau. Mình xót quá, xót cái răng sâu... dù gì thì cũng mới trám lại, tốn bằng cả mấy cân thịt cho con chứ ít ỏi gì.
Sau vài giây, xe đi êm ái trở lại. Rồi bất chợt nó lại chồm lên... Cứ thế vài lần, bà con trên xe la oai oái, túi ni-lon được trưng dụng tối đa. Anh phụ xe xót của:
- Đường sá làm như "...", tốn bao nhiêu là túi ni-lon của ông, muốn giữ vệ sinh môi trường cũng chả được.
Giọng đàn ông từ cuối xe vang lên đầy văn hoa:
- Ổ gà cũng như tiền dự án: Cái này lõm thì tất nhiên cái kia cũng phải lõm thôi. Hức...
Người đàn ông đang nói thì bánh xe lại sụt xuống một cái ổ gà khác. Ông này biết điều, im luôn, chắc suýt cắn vào lưỡi.
Mình lại lơ mơ ngủ, đôi lúc bờ vai xương xẩu của chồng lại nảy lên, thúc vào đầu đau điếng.
Sau 3 tiếng đánh vật trên cái "chuồng lợn di động", cuối cùng cũng gần về đến nhà. Xa xa thấp thoáng bóng mấy rặng tre, cảm giác yên bình đến lạ...
Mình xuống xe, người lắc lư như vừa chơi đu quay về. Anh xã thấy thế thì lấy làm buồn cười, bèn lấy tay đẩy khẽ mình một cái, mình lao đi, đến lúc sắp đâm vào một ông xe ôm thì anh xã đã tóm ngay lại. Đấy, cái thói ghen tuông lồ lộ ngay ra đấy. Thế mà cứ hễ nói đến thì chối đây đẩy.
Mấy anh xe ôm xúm lại:
- Anh chị về đâu? Em chở về. Trời nắng thế này.
- Thằng này xích ra, từ sáng đến giờ anh chưa có chuyến nào. Anh chị về đâu? Xích ra cái thằng kia.
Anh xã mình khoát tay:
- Nhà gần, đi bộ cho lại sức.
Đường sá vắng bóng thanh niên. Mọi năm về, thấy đông lắm mà nhỉ? Quái, đi bộ ngót một cây số, thấy toàn ông già bà cả với lũ trẻ con lít nhít. Vươn tầm nhìn ra cánh đồng lúa: chỉ lác đác vài thửa được cấy, còn lại thì bỏ trống. Hụt hẫng khôn tả.
Đem nỗi thắc mắc về hỏi mẹ chồng, mẹ thở dài đánh thượt:
- Đi công ty hết rồi.
- Sao lại bỏ ruộng mà đi làm công nhân chứ. Ở nhà ruộng vườn đầy ra, chăm chỉ làm thì tha hồ sống. Bám vào công ty, rồi xem, tiền vào chẳng đủ tền ra. - Anh xã hậm hực.
- Ừ thì biết sao được. Đi công ty, mỗi tháng được 1 - 2 triệu, còn thấy đồng tiền. Bám vào sào ruộng, ừ thì đủ ăn đấy, nhưng mỗi lần có công có việc lại chẳng có đồng tiền nào trong tay.
- Rồi ở nhà bố ốm, mẹ đau, con khóc. Lúc ấy kêu ai? - Anh xã thở dài.
Mắt mẹ buồn buồn:
- Vợ chồng thằng cháu cả nhà bác trưởng cũng mới đi công ty tháng trước.
----------------------
Khu công nghiệp mọc lên giữa làng, nhà nào nhà nấy được đền bù rõ lắm tiền. Vậy cuộc sống và suy nghĩ của mỗi người sẽ thay đổi như thế nào?
Đón đọc kỳ tới: Nhật ký phiêu lưu ký - P35: Thằng cháu "ưu phiền vì nhiều tiền" vào sáng 18/10
CSGT giơ tay lên chào, gã cầm lái phẩy tay, lè nhè nói: “Xe anh đông rồi. Chú vẫy xe khác nhé“.