Chuyện tế nhị trong đêm tân hôn

Chắc chắn không phải "cô dê chú rẩu" nào cũng dám mạnh dạn kể chuyện này với bạn bè và đồng nghiệp.

Tiệc cưới kết thúc, hai vợ chồng trẻ cùng vào phòng ngủ. Sau khi uống xong ly rượu “giao bôi”, chồng vội nói:

- Thôi khuya rồi, chúng mình bắt đầu chuyện đó đi.
- Sớm vậy anh, mới có 22 giờ mà khuya khoắt gì, nhỡ khách gọi cửa thì kỳ lắm!
- Không ai mất lịch sự đi gọi cửa phòng tân hôn đâu mà em sợ.
- Em chiều anh đấy, nhưng phải tắt đèn vì em… ngượng lắm!
- Ơ! tắt đèn thì... kiểm phong bì thế quái nào được?

Trên đây chỉ là câu chuyện vui, nhưng nó cũng phần nào cho thấy một việc rất quan trọng trong đêm tân hôn, đó là kiểm phong bì - đếm tiền mừng cưới.

Trước đây, câu chuyện hồi hộp nhất, thú vị nhất đối với cô dâu chú rể trong đêm tân hôn chỉ đơn giản là chuyện... tình cảm. Ngày nay, kinh tế phát triển, vật chất đã có sức nặng hơn, thì câu chuyện “đêm tân hôn” không chỉ còn là “chuyện tình cảm”. Hơn nữa, khi mà giới trẻ ngày nay từng trải và “chu đáo” hơn, nên nhiều khi họ đã cơ bản thực hiện “đêm tân hôn” trước ngày cưới rất lâu rồi, thì công việc được chờ đợi nhất của đôi Tân Lang Tân Lương trong đêm tân hôn bây giờ chỉ là việc... đếm tiền.

Có 2 cách tổ chức tiệc cưới: hoặc là 2 bên nhà trai - nhà gái tổ chức chung 1 buổi tiệc, hoặc là tổ chức riêng, bên nào bên ấy tự lo. Trong trường hợp tổ chức riêng thì dễ rồi, tức là tiền mừng riêng, của bên nào bên đó giữ và tự kiểm, và thường là bố mẹ kiểm chứ cô dâu chú rể không phải đụng tay. Chuyện phong bì sẽ trở nên “tế nhị” khi 2 bên tổ chức chung.

Chuyện tiền nong vốn được coi là tế nhị. Tiền mừng cưới lại tế nhị hơn nhiều lần bởi tính đặc thù của... thùng tiền. Tiền mừng cưới vừa là tài sản, vừa là nghĩa vụ sang trả, vừa thể hiện vị thế và sỹ diện không chỉ của riêng đôi uyên ương mà còn của cả 2 gia đình. Vậy nên, nếu không khéo, tiền mừng lại trở thành “tiền lo”, gây mâu thuẫn giữa hai gia đình thông gia. Vì tính chất quan trọng đó mà với đôi uyên ương, việc kiểm phong bì vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm; vừa là cơ hội, vừa là thách thức; vừa háo hức vừa thận trọng...

Nếu như hai bên tuyên bố: “tiền mừng được bao nhiêu sẽ cho hết 2 đứa làm vốn” thì lại quá khỏe, lúc này đôi uyên ương sẽ kiểm phong bì với một vị thế khác, chỉ có hưng phấn chứ không có áp lực. Thích thì kiểm ngay, không thích thì để mai kiểm nếu không muốn làm hỏng... đêm tân hôn.

Phức tạp nhất là tổ chức tiệc chung nhưng tiền nhà nào phải về nhà nấy. Việc khó khăn đầu tiên là “phân loại phong bì” để tránh nhầm lẫn. Nhiều đám đã áp dụng cách làm của bên vệ sinh môi trường là “phân loại từ nguồn”, tức là làm hai thùng tiền riêng, khách nhà gái bỏ một thùng, khách nhà trai bỏ một thùng. Khi đón khách, mỗi gia đình sẽ đón và hướng dẫn khách bỏ phong bì vào đúng thùng tiền nhà mình. Về lý thuyết như thế là ổn, nhưng thực tế khi khách đông hoặc chủ nhà bận việc không kịp hướng dẫn thì khách rất dễ bỏ lộn thùng. Để tránh việc một bên nào đó bị mất tiền do khách bỏ lộn thùng thì lại phải phiền đến cô dâu chú rể can thiệp. (Tuy không mất nhưng nhiều gia đình đã phải “mất tập chung” suốt buổi vì thấy khách của mình bỏ lộn sang thùng của nhà thông gia).

Rắc rối hơn là khi 2 bên cùng bỏ phong bì chung một thùng. Thường thì khách của 2 bên sẽ được đánh dấu bởi 2 loại phong bì màu sắc khác nhau cho dễ phân loại, thế nhưng thực tế nhiều khách lại dùng phong bì “chợ” (bì thư bưu điện) giống nhau, dẫn đến không phân biệt được của nhà gái hay nhà trai. Thùng tiền chung này nếu giao cho một bên kiểm thì bên kia sẽ “lăn tăn”, biết đâu có khách nào lỡ quên bỏ phong bì thì lại “bán tín bán nghi”... Còn nếu 2 bên cử đại diện ngồi kiểm hỉ hục cả buổi thì lại thiếu phần tế nhị. Thế là gánh nặng thùng tiền thập cẩm này sẽ đương nhiên đặt lên vai đôi vợ chồng trẻ, họ sẽ phải kiểm ngay vì cả hai bên đều đang rất... hồi hộp.

Khi những người khách cuối cùng rút đi thì cũng là lúc mà đôi uyên ương đã rất mệt mỏi sau bao ngày lo toan. Đêm tân hôn là đêm lẽ ra họ sẽ được nghỉ xả hơi hoặc chấp nhận mệt thêm một tí để tận hưởng vị ngọt tình yêu. Ấy thế nhưng cái đêm tân hôn được chờ đợi ấy có khi chỉ còn là sức nặng của thùng tiền cưới chung 2 gia đình. Vậy nên, có người đã đưa ra sáng kiến rằng, khi gửi thiệp mời đám cưới, ta nên ghi luôn số tài khoản ngân hàng cho tiện, để chuyện thùng tiền mừng cưới không còn là chuyện tế nhị trong đêm tân hôn.

HienMQ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN