“Chuẩn men” là gì?
Gần đây cụm từ “chuẩn men” được cộng đồng mạng, các bạn trẻ dùng với mật độ cao.
Nhiều người dùng nó như một câu cửa miệng mà không cần biết tới nguồn gốc của nó. Tin vịt 24H xin cung cấp cho các độc giả (chưa biết hoặc hiểu sai) ý nghĩa và nguồn gốc của cụm từ này: “Men” nghĩa là đàn ông, “chuẩn men” là “đàn ông chuẩn” hay còn gọi như quảng cáo là “đàn ông đích thực!”. Câu này xuất phát từ phát ngôn của một ca sỹ có ngoại hình đàn ông nhưng phong cách ẻo lả như phụ nữ, bị tố là “bóng”, anh này đã lên tiếng khẳng định mình là “đàn ông đích thực”, cộng đồng mạng cho rằng anh ta nói như vậy chẳng khác nào thú nhận mình là “bóng”, bởi đàn ông chẳng ai lại tự vỗ ngực tự nhận mình là đàn ông cả, thêm nữa “đàn ông đích thực” nói ngược lại có nghĩa là “đàn ông… thích đực”. Đàn ông mà “thích giống đực” thì hiển nhiên anh ta là “bóng”. Và “chuẩn men” đã ra đời từ đó.
*
* *
Khôn!
Một người đàn ông ở Gò Vấp (Sài gòn) bị mất cắp chiếc xe máy đã đi được 10 năm. Ông ta đã biết kẻ đánh cắp chiếc xe là ai nhưng không nói gì. Sau khi chiếc xe bị đánh cắp được tân trang lại toàn bộ, thay đồ mới, cân chỉnh bảo dưỡng cẩn thận chuẩn bị đem bán thì ông ta mới báo cho cảnh sát và kết quả là ông có một chiếc xe tốt hơn mà không mất xu nào.
*
* *
Trẻ… trước tuổi
Tạp chí “24h Kinh nghiệm cuộc sống” viết: Khi bạn hỏi tuổi của một phụ nữ nào đó, câu trả lời 99% là “Anh hãy thử đoán xem!”. Trong trường hợp này bạn nên đoán hụt đi chục tuổi, đó là câu trả lời có “văn hóa” nhất. Khi ấy người phụ nữ sẽ trả lời: “Ồ em trẻ đến thế cơ à?” và họ sẽ nói ra tuổi thật của mình để người hỏi thấy rằng họ rất trẻ so với tuổi. Phụ nữ chỉ thích trả lời tuổi của họ khi họ từ 20 tuổi trở xuống, từ sau đó trở đi tuổi của họ sẽ là: 20 tuổi lần thứ nhất, 20 tuổi lần thứ 2,… 20 tuổi lần thứ… ích xì.”
*
* *
Tại sao phụ nữ không thích ăn lương khô?
Hãng sản xuất lương khô hiệu Con Cừu của Pháp vừa tung ra thị trường EU một loại lương khô dành cho phụ nữ, với tác dụng làm đẹp da, bóng tóc, dáng vóc mềm mại… Hãng hy vọng rằng với dòng sản phẩm mới này sẽ đem lại lợi nhuận kha khá cho hãng trong thời buổi khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên 03 tháng sau khi loại lương khô kia ra thị trường thì Con Cừu chỉ bán được vài hộp. Hội đồng quản trị đã họp lại và tìm nguyên nhân, hóa ra lý do hết sức “mi-ni”, hầu hết phụ nữ đều không thích “khô khô”, cái gì “khô khô” đều đem lại cảm giác thiếu tự tin cho chị em. Nói đến “lương khô” đại đa số chỉ thích chữ đầu là “lương” mà thôi, chữ “khô” tuyệt nhiên không. Hãng Con Cừu đã chính thức đổi tên dòng sản phẩm này thành “lương ướt”!
*
* *
Xuất xứ tên bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng”
Theo tin từ Hiệp hội xuyên tạc âm nhạc, vừa qua hiệp hội đã nhận được đơn đặt hàng của công ty xổ số thành phố về một bài hát ca ngợi loại hình “ích nước lợi nhà” này, và kết quả công ty xổ số đã có một bài hát “ngành ca” với tựa đề “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Nhái tên một bài hát nổi tiếng cùng tên của nhạc sỹ Phan Nhân). Bài hát này dự kiến sẽ được phát trước giờ công bố kết quả xổ số, ai ai nghe bài hát này cũng tràn đầy “niềm tin” và “hy vọng” về các giải thưởng cao nhất của xổ số dành cho mình.
*
* *
|
|
|
|
|
|
|
|