YouTube gỡ bỏ nhiều video “Độ ta không độ nàng” vì vi phạm bản quyền

Sự kiện: Youtube

Ca khúc nhạc Hoa lời Việt "Độ ta không độ nàng" đang là tâm điểm chú ý của dư luận do những cảnh báo về vi phạm bản quyền. Nhiều ca sĩ đã gỡ bỏ các video trên YouTube do không chấp nhận trả phí bản quyền cho đơn vị sở hữu ca khúc ở Việt Nam.

Bản cover Độ ta không độ nàng trên kênh Thiên An đạt gần 52 triệu lượt xem.

Bản cover Độ ta không độ nàng trên kênh Thiên An đạt gần 52 triệu lượt xem.

Gần đây nhiều bản cover “Độ ta không độ nàng” - ca khúc của tác giả Cô Độc Thi Nhân (Trung Quốc) lan truyền trên thị trường nhạc Việt đã nhanh chóng gây sốt. Bản nhạc được nhiều ca sĩ của Việt Nam chuyển thể thành các ca khúc nhạc Hoa lời Việt, với những lời nhạc mới.

Từ đầu tháng 6/2019, ca khúc bắt đầu “làm mưa làm gió” thị trường âm nhạc Việt khi hàng loạt các bản cover không chuyên đua nhau ra đời như Thái Quỳnh, Hương Ly, Thiên An... Theo trào lưu, rất nhiều ca sĩ như Phương Thanh, Khánh Phương, Ưng Hoàng Phúc, Trấn Thành cũng đầu tư cover ca khúc này. Ca sĩ Phương Thanh thay vì sử dụng lời dịch ban đầu của Tuyên Chính đã viết lời nhạc mới, được sư thầy Thích Đồng Hoàng chắp bút với tên mới “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” theo tinh thần Phật pháp.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ Bản quyền Việt Nam, từ tháng 3, công ty đã nhận được sự ủy quyền toàn quyền với ca khúc “Độ ta không độ nàng” ở Việt Nam từ chủ sở hữu ở Trung Quốc. Trong hợp đồng ủy quyền, công ty được toàn quyền quản lý, thu phí sử dụng bản nhạc tại Việt Nam. Ngày 28/6/2019, công ty đã gửi văn bản tới YouTube và các trang chia sẻ nhạc thông báo rõ: Những ai muốn sử dụng, sao chép, phân phối bài hát này phải trả phí tác quyền là 5 triệu đồng cho một lần sao chép bản nhạc, bên cạnh đó khi chia sẻ bản nhạc trên các nền tảng như YouTube phải trả thêm 33% doanh thu thu được từ sản phẩm hoặc phải gỡ bỏ ca khúc.

Những ngày gần đây, hàng loạt video ca khúc "Độ ta không độ nàng" đã được gỡ khỏi trang YouTube do cảnh báo vi phạm bản quyền. Một số ca sĩ không chuyên đến chuyên nghiệp khác cho rằng mình chỉ “cover cho vui” hoặc thấy sản phẩm không tương xứng với phí bản quyền nên chấp nhận để video bị gỡ bỏ. Trong đó, có nhiều bản cover lượng view không kém ca sĩ chuyên nghiệp như: Anh Duy, Hương Ly, Thái Quỳnh… đã biến mất. Anh Duy - chàng trai gốc Tiền Giang chính là người đầu tiên đưa “Độ ta không độ nàng” vào thị trường nhạc Việt và trở nên nổi tiếng rần rần nhờ bản cover này. Bản thu của anh trước khi bị xóa khỏi YouTube đạt con số hơn 14 triệu lượt xem.

Anh Duy người đầu tiên hát Độ ta không độ nàng phiên bản Việt đã gỡ bài hát khỏi kênh YouTube.

Anh Duy người đầu tiên hát Độ ta không độ nàng phiên bản Việt đã gỡ bài hát khỏi kênh YouTube.

Chỉ có một số ít ca sĩ chấp nhận đóng phí bản quyền và giữ lại video đã có lượt theo dõi lớn như ca sĩ Khánh Phương, hay một tài khoản có tên Thiên An với gần 52 triệu lượt xem.

Trên trang Facebook cá nhân, ca sĩ Phương Thanh liên tục cập nhật thông tin đến việc cô chưa đồng ý trả phí tác quyền cho công ty Việt Nam để tiếp tục sử dụng ca khúc cover này. Bản cover “Tự thân nàng hãy cứu độ nàng” của Phương Thanh cũng được gỡ khỏi YouTube. Cô cho biết: “chị sai là sai với phía công ty gốc ở Trung Quốc, cho đến giờ phía Trung Quốc cũng không làm gì chị. Bên Việt Nam mua rồi thì là quyền của công ty nhưng chị không cộng tác và chấp nhận sập bài”. Ca sĩ Phương Thanh cũng cho biết, bé Gà (con gái Phương Thanh) đã liên hệ với công ty môi giới bên Trung Quốc bài “Độ ta không độ nàng” để hỏi thủ tục, rất nhanh gọn, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, cô mới hỏi thông tin chứ chưa quyết mua hay không.

Theo đại diện của POPS, đơn vị đang quản lý nhiều kênh YouTube ở Việt Nam, sự việc gỡ bỏ các video “Độ ta không độ nàng” cũng rất dễ hiểu. Khi có một đơn vị mua bản quyền ca khúc này ở Việt Nam, họ sẽ yêu cầu ai mua bản quyền bài hát đó thì được đăng tải lên, còn nếu không sẽ bị cảnh báo và gỡ xuống. YouTube sẽ tự động set up trên hệ thống, và thấy kênh nào vi phạm bản quyền thì “đánh gậy”.

Vi phạm bản quyền các ca khúc nước ngoài, cái nhìn thấy trước mắt sẽ là bị gỡ bỏ video, nhưng lớn hơn là đối diện với việc vi phạm những quy định về bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Theo luật sư Trương Anh Tú, Luật Sở hữu trí tuệ đã nói về tác phẩm phái sinh, tức là trên cơ sở bản nhạc của nước ngoài, ca từ của nước ngoài, khi sang Việt Nam các ca sĩ vẫn giữ giai điệu đó nhưng chuyển thể sang ngôn ngữ của Việt Nam. Nếu sử dụng tác phẩm phái sinh mà không xin phép, thì vi phạm bản quyền còn ở mức độ lớn hơn là sử dụng nguyên tác phẩm mà không xin phép.

Dân mạng bấn loạn, MV ”Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng MTP đạt 13 triệu lượt xem trên YouTube sau 14 giờ

MV "Hãy trao cho anh" của Sơn Tùng MTP đã đạt gần 12,9 triệu lượt xem chỉ sau chưa đầy 14 giờ đăng tải lên YouTube....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đình Anh ([Tên nguồn])
Youtube Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN