"Mảnh đất hái ra vàng" YouTube: Làm thế nào để content creator đa dạng hóa thu nhập?
Theo khảo sát của Google tháng 7/2019, cứ 2 người thì 1 người thuộc thế hệ Z và Millennials nói họ không thể sống thiếu video. Vì lẽ đó, YouTube từ lâu đã trở thành nơi mang về “tiền tươi thóc thật” cho cộng đồng sáng tạo nội dung. Trong tương lai, nền tảng 15 năm tuổi này có còn giữ được sức nóng?
Từ sở thích trở thành công việc full-time
Theo khảo sát của YouTube thực hiện với 12.000 người dùng trên toàn thế giới, Gen Z là “khách hàng thân thiết” của những video ngắn đến từ những nhà sáng tạo nội dung từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Cũng theo khảo sát này, hai mục đích hàng đầu của Gen Z khi xem YouTube là để thư giãn và học điều mới.
Gen Z là “khách hàng thân thiết” của những video ngắn trên YouTube.
Ở Việt Nam, top những kênh có lượng người đăng ký nhiều nhất có thể kể đến là POPS Kids (13,6 triệu) - kênh giải trí, giáo dục cho thiếu nhi, FAP TV (12,7 triệu) với các tiểu phẩm có tính giải trí cao... Các game thủ, game streamer nổi tiếng như Cris Devil Gamer, Misthy, Lộc Zutaki… cũng luôn có một lượng người theo dõi khủng, cho thấy mức độ quan tâm của Gen Z đến các nội dung game streaming theo lối nói chuyện hài hước.
Nhìn vào các tên tuổi đi trước có nguồn thu nhập ổn định từ việc sáng tạo nội dung về trò chơi điện tử, nhiều bạn trẻ đã nghiêm túc đầu tư vào công việc YouTuber. Hiện tại, phương thức kiếm tiền phổ biến nhất cho các nhà sáng tạo nội dung YouTube chính là tham gia vào chương trình Đối tác YouTube (YouTube Partner Program). Cụ thể, khi kênh có đủ 1K người đăng ký, 4K giờ xem công khai và một số các tiêu chí khác, bạn sẽ “mở khóa” được tính năng kiếm tiền cho kênh.
Nhiều bạn trẻ đã nghiêm túc đầu tư vào công việc YouTuber.
Tuy nhiên, câu chuyện thực tế không “dễ ăn” như lý thuyết. Hầu hết các chủ kênh mất từ nửa năm đến vài năm để “nuôi” kênh bằng tiền túi trước khi bắt đầu kiếm được tiền từ kênh. Trong thời gian đó, rất nhiều thời gian, công sức được bỏ ra để lên chiến lược, tạo nội dung và quảng bá kênh. Ngay cả khi tiền “về”, thời gian đầu, con số kiếm được từ lượng người xem và các đoạn clip quảng cáo ngắn chạy ngang video cũng chỉ nằm ở mức vài triệu, một số tiền rất nhỏ so với số vốn bỏ ra.
Hầu hết các chủ kênh mất từ nửa năm đến vài năm để “nuôi” kênh bằng tiền túi trước khi bắt đầu kiếm được tiền từ kênh. Nền tảng cũ, phương thức kiếm tiền mới
Nhận thấy bất cập của cách kiếm tiền dựa trên quảng cáo và lượt view, thế hệ YouTuber mới đã tìm cách đa dạng hóa nguồn thu nhập từ tài trợ của nhãn hàng, nhận tiền tặng (donate)từ fan, thử sức kinh doanh hay gần đây nhất là tham gia mạng lưới tiếp thị liên kết (nói nôm na là tiền hoa hồng nhờ vào việc giới thiệu đường link mua sắm trên trang cá nhân). Bên cạnh đó, những hợp đồng lâu dài với các nhãn hàng cũng là mang đến nhiều cơ hội thu nhập cho hội sáng tạo nội dung (content creator).
Thế hệ YouTuber mới đã tìm cách đa dạng hóa nguồn thu nhập.
Mặt khác, kể từ cuối năm 2019, YouTube xuất hiện một đối thủ vô cùng đáng gờm: TikTok. Giờ đây, TikTok trở thành “địa bàn” quen thuộc của các nhà sáng tạo nội dung Gen Z vì khâu chỉnh sửa video tích hợp sẵn nhanh-gọn-lẹ. TikTok cũng có một chương trình đối tác tương tự như YouTube mang tên TikTok Creator Fund cập nhật từ tháng 3/2021. Điều kiện cần để “mở khoá” chương trình kiếm tiền từ nội dung này là chủ kênh phải trên 18 tuổi, có tài khoản đạt được 100K lượt theo dõi và đạt mốc 100K lượt xem video trong một tháng. Tuy vậy, các TikToker thường tận dụng trang cá nhân để kiếm nguồn thu thông qua tài trợ từ nhãn hàng hay tham gia mạng lưới tiếp thị liên kết.
YouTube xuất hiện một đối thủ vô cùng đáng gờm: TikTok.
Lý giải cho điều này, đa số người dùng TikTok là Gen Z và Millennials, vốn là nhóm đối tượng có sức mua lớn. Bên cạnh đó, thời lượng video ngắn trên TikTok thúc đẩy người dùng “xem nữa, xem mãi”. Vậy là trong cùng một khoảng thời gian, người xem YouTube chỉ có thể xem 1 video trong khi người dùng TikTok đã lướt qua 10 video, tiếp xúc với nhiều món hàng hơn, từ đó có thể đưa ra quyết định “chốt đơn” nhiều hơn.
Tuy nhiên dù sở hữu nhiều điểm cộng, TikTok vẫn chưa thể vượt mặt “anh cả” YouTube. Điểm mạnh của YouTube mà TikTok vẫn chưa thể thay thế, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, chính là những nội dung chuyên sâu mang tính giáo dục. TikTok có thể là “ông hoàng” của những video đem lại tiếng cười sảng khoái hay sự giải trí tức thời, nhưng Gen Z luôn tìm đến YouTube mỗi khi muốn học thêm kiến thức mới hay đào sâu đam mê sẵn có. Bên cạnh đó, TikTok vẫn chưa tạo dựng được mạng lưới kênh của các nhãn hàng, công ty/tập đoàn lớn - điều mà YouTube đã mất rất nhiều năm để xây dựng.
Điểm mạnh của YouTube chính là những nội dung chuyên sâu mang tính giáo dục. Nội dung vẫn là yếu tố then chốt
Trong hội nghị có tên Sáng tạo nội dung 2019 - 2025: Tương lai 5 năm tới nắm giữ điều gì cho các influencers được tổ chức bởi World Travel Market London, diễn giả Lisa Binderberger, CEO của Boom Creative Lab, cho rằng trong tương lai, các nhãn hàng sẽ chú trọng đến giá trị mà influencer mang lại hơn là số lượng người theo dõi. Nói cách khác, việc bạn có mười nghìn hay hai mươi nghìn người theo dõi không thôi là chưa đủ, mà nội dung bạn tạo ra phải hướng đến một thông điệp nào đó, ví dụ như sống xanh hay ủng hộ nữ quyền.
Tương lai, các nhãn hàng sẽ chú trọng đến giá trị mà influencer mang lại hơn là số lượng người theo dõi.
Chính vì vậy, nếu teen mong muốn trở thành thế hệ sáng tạo nội dung có tầm ảnh hưởng trong tương lai, hãy xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ bây giờ. Cho dù bạn chọn TikTok, Instagram hay YouTube làm nền tảng “cất cánh”, hãy tìm ra màu sắc của riêng mình và đầu tư cho nội dung lẫn hình ảnh thật kỹ lưỡng. Chỉ cần nội dung của bạn đủ chất, thông điệp đủ mạnh mẽ, thì cho dù các nền tảng có “vật đổi sao dời”, bạn vẫn sẽ là “người khổng lồ” trong thế hệ content creator tương lai.
Những gì YouTube Shorts mang lại cho thấy rõ đây là sản phẩm đối đầu trực tiếp với TikTok.
Nguồn: [Link nguồn]