Xuất hiện hành tinh mới quay ngược, biến hóa đáng sợ
Trên hành tinh bí ẩn TIC 241249530b, khí hậu có lúc chỉ như mùa hè trên Trái Đất, có lúc lại hóa "địa ngục" làm tan chảy cả titan.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Arvind Gupta từ Phòng thí nghiệm nghiên cứu thiên văn quang học hồng ngoại quốc gia NSF (NOIRLab - Mỹ) đã xem xét một ngoại hành tinh mang tên TIC 241249530b.
Vệ tinh TESS của NASA đã tìm thấy nó từ năm 2020, nhưng đến nay các nhà khoa học mới phát hiện nó rất khác biệt so với các ngoại hành tinh từng được biết đến.
Hành tinh kỳ dị TIC 241249530b - Ảnh đồ họa: NOIRLab
Theo Sci-News, phân tích quang phổ đã xác nhận rằng TIC 241249530b có khối lượng lớn hơn Sao Mộc khoảng 5 lần và thuộc loại "Sao Mộc nóng", tức các hành tinh khí khổng lồ nằm rất gần sao mẹ nên nóng bỏng.
Ngoại hành tinh này có độ lệch tâm quỹ đạo là 0,94, tức gần đạt mức tối đa trong thang giá trị từ 0-1 chỉ độ lệch tâm.
Độ lệch tâm càng cao, vòng quay hình elip của hành tinh quanh sao mẹ càng trở nên thuôn dài.
Để so sánh, độ lệch tâm của Trái Đất chỉ là 0,02, trong khi hành tinh lùn siêu lệch tâm của Thái Dương hệ là Sao Diêm Vương có độ lệch tâm 0,25.
Nếu TIC 241249530b là một phần của hệ Mặt Trời thì khi ở điểm cận nhật, nó chỉ cách Mặt Trời khoảng cách bằng 1/10 khoảng cách Mặt Trời - Sao Thủy. Còn khi ở điểm viễn nhật, khoảng cách sẽ tương đương Mặt Trời - Trái Đất.
Độ lệch tâm này cũng khiến khí hậu trên Sao Mộc nóng này biến hóa đáng sợ.
Ở "mùa" mà hành tinh ở xa sao mẹ nhất, nó sẽ sở hữu thời tiết hơi nóng nực giống như mùa hè ở địa cầu. Còn trong giai đoạn gần sao mẹ nhất, nó là một hỏa ngục nơi titan cũng phải nóng chảy.
Để làm tăng thêm tính chất bất thường của quỹ đạo của ngoại hành tinh này, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra nó quay theo hướng ngược với hướng quay của sao mẹ.
Đó không phải điều thường thấy trên các ngoại hành tinh và cũng không có hành tinh nào trong hệ Mặt Trời quay ngược như thế.
Đặc điểm quỹ đạo độc đáo của ngoại hành tinh này cũng gợi ý về quỹ đạo tương lai của nó.
Người ta dự kiến nó sẽ sớm mất đi độ lệch tâm cực đoan này, vì lực thủy triều tác động lên hành tinh này sẽ làm cạn kiệt năng lượng từ quỹ đạo và khiến nó dần co lại và tròn lại.
Theo các tác giả, thực ra trong vũ trụ, có thể đã có nhiều Sao Mộc nóng khác cũng lệch tâm như thế, nhưng đã dần bị nắn quỹ đạo cho tròn lại, trở thành một Sao Mộc nóng hoàn hảo quay sát sao mẹ.
Nguồn: [Link nguồn]
NASA vừa tung ra bức ảnh ngoạn mục về "vũ điệu của Chim Cánh Cụt và Trứng", thực ra là một hiện tượng vô cùng khốc liệt của vũ trụ.