Xây dựng thành phố thông minh: "Công nghệ không phải là tất cả của vấn đề"
Xây dựng đô thị thông minh là dựa trên công nghệ nhưng công nghệ không phải là tất cả của vấn đề.
Chiều 16/5, tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng các lãnh đạo trong ngành viễn thông đã có buổi tọa đàm về "Giải pháp cho thành phố thông minh". Theo đó, các chuyên gia đã thảo luận cả về định nghĩa thành phố thông minh (smart city) cho tới thực trạng, giải pháp, mục tiêu và những rào cản trong quá trình xây dựng thành phố thông minh.
Công nghệ không phải là tất cả
Theo chia sẻ của ông Lê Quốc Cường, sau khi đề án đô thị thông minh được UBND TP.HCM phê duyệt, ban điều hành đã sớm có kế hoạch triển khai. Tính đến đầu năm 2018, ban điều hành đã trình thành phố 5 kế hoạch, ngoài kế hoạch tổng thể còn có 4 kế hoạch trụ cột được triển khai thí điểm theo từng ngành, từng lĩnh vực và theo từng khu vực.
Ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.
Chẳng hạn trong lĩnh vực giao thông, bước đầu TP.HCM đã thành lập trung tâm quản lý giao thông, xây dựng ứng dụng thông báo tình hình giao thông; trong lĩnh vực xây dựng thì có đầu số quản lý hạ tầng 1022 đang hoạt động rất tốt; lĩnh vực đất đai cũng bắt đầu được triển khai các giải pháp thông minh để giúp người dân theo dõi thông tin nhanh, chính xác và đầy đủ.
Mặc dù vậy, ông Cường cho rằng: "Xây dựng đô thị thông minh là dựa trên công nghệ nhưng công nghệ không phải là tất cả của vấn đề". Chẳng hạn, khi đưa một ứng dụng mới vào một hệ thống thì phải thay đổi quy trình vận hành với ứng dụng này, đi kèm với đó là thay đổi các quy định, quy trình tác nghiệp của mỗi cá nhân có vai trò trong hệ thống ban đầu, đồng thời đòi hỏi sự liên kết giữa các ngành liên quan.
"Ví dụ, tôi đang xây dựng đề án trung tâm tiếp nhận thông tin cứu trợ tương tự 911 ở Mỹ. Trước đây từng ngành có thể tiếp cận thông tin rất là nhanh, như PCCC tiếp cận thông tin rất nhanh, điều quân rất nhanh nhưng xe chạy trên cao tốc lại gây tai nạn, chứng tỏ thông minh nhưng tổng thể không thông minh vì thiếu liên kết với giao thông", ông Cường đặt vấn đề.
"Vậy nên vấn đề là đòi hỏi các ngành công an, y tế, giao thông,... phải ngồi lại với nhau, nhưng phải ngồi với nhau như thế nào? Chúng ta phải ngồi với nhau trước cả khi có quy chế", ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.
Hệ thống cảnh báo kẹt xe của TP.HCM.
Cũng theo ông Cường, khi xây dựng thành phố thông minh bằng công nghệ cao, phải có đội ngũ vận hành, nâng cấp và phát triển nó, chứ không chỉ đơn thuần là đợi đối tác đưa thiết bị tới lắp đặt, tập huấn rồi về. Ngoài ra, mỗi thay đổi dù rất nhỏ cũng phải đánh giá tác động của nó. Bên cạnh đó còn có các vấn đề về tài chính, chuyển giao và làm chủ công nghệ.
"Bản chất của thành phố thông minh là thông tin phải được chia sẻ"
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc VNPT, "thành phố thông minh" là khái niệm mà có thể khác nhau qua nhiều giai đoạn khác nhau. Nó phụ thuộc vào cách những người điều hành muốn quản lý sao cho hiệu quả nhất, người dân và doanh nghiệp được phục vụ một cách tốt nhất.
Ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc VNPT.
"Từ những năm 90, thế giới đã triển khai đô thị thông minh, trong đó có những nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Pháp, đặc biệt là vùng Bắc Mỹ. Qua nhiều giai đoạn phát triển, đến năm 2015 - 2016 có sự bùng nổ của nền tảng đám mây, internet kết nối vạn vật, tiếp theo là các nền tảng trí tuệ nhân tạo. Như vậy, hiện tại chúng ta đã có đầy đủ điều kiện, công cụ để thực hiện công việc ấy", ông Liêm nói tại buổi tọa đàm.
Ông Liêm dẫn chứng, thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) hay New York (Mỹ) đã triển khai thành phố thông minh từ lâu và rất thành công, còn ở Đông Nam Á thì rõ nét nhất là hình ảnh của quốc đảo Singapore. Đặc biệt ở Ấn Độ, họ tuyên bố đã có tới 100 đô thị thông minh.
Tuy nhiên, cùng có nhận định như Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, ông Liêm cho rằng, vấn đề nan giải hiện nay tại nước ta là các quy định của pháp luật. "Bản chất cốt lõi nhất để hình thành thành phố thông minh là các thông tin phải được chia sẻ, giáo dục chia sẻ với y tế, y tế chia sẻ với công an,... Tuy nhiên chúng ta đang gặp khó khăn về luật pháp và quy định", ông Liêm nói.
"Nói về công nghệ thì không phải là việc lớn. Nhưng nếu chúng ta nhìn bài toán lớn quá, đô thị thông minh mà làm lớn quá thì làm không được", ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc VNPT.
"Hệ thống vận hành phải hiểu được hành vi, thói quen của người dân"
Chia sẻ góc nhìn về thành phố thông minh, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Giám đốc VNPT cho rằng: "Hệ thống vận hành phải hiểu được hành vi, thói quen của người dân. Hệ thống của người Việt Nam khác với người Mỹ, của người dân TP.HCM khác với của người dân ở TP.Lào Cai, nó khác và nó có những đặc điểm khác nhau. Chúng ta phải tùy chỉnh, cái này phải có thời gian và đào tạo đội ngũ cho việc này".
Theo vị chuyên gia này, người dân Việt Nam đã quen dùng bút và quen với việc kê khai trên giấy. Do đó, khi người dân tới một nơi mà chỉ có máy tính bảng thì để họ làm quen, cần có sự hướng dẫn của chính quyền và cơ chế khuyến khích tạo ra động lực để người dân tích cực tham gia.
"Ứng dụng tạo ra phải thân thiện, không được gây cảm giác khó chịu cho người dùng, như một việc làm trên máy phải cho cảm giác như làm trên giấy. Đồng thời phải có giải pháp khuyến khích người dân, như nộp qua mạng thời gian xử lý hồ sơ sẽ rút ngắn lại; thậm chí phải vừa khuyến khích vừa áp đặt theo kiểu một số dịch vụ mà không làm qua mạng thì không chấp nhận. Vừa khuyến khích vừa áp đặt nhưng phải tuyên truyền cho người dân biết", Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tiếp ý ông Giang.
Phải có chế tài bảo mật dữ liệu Trên hết những vấn đề liên quan tới việc xây dựng thành phố thông minh, vai trò của các bộ ban ngành trong việc ban hành các quy định rất cụ thể về việc những dữ liệu nào được truy cập cũng rất quan trọng. Chẳng hạn, cơ sở dữ liệu dân cư, hộ tịch, thông tin doanh nghiệp có thể dùng chung giữa các ngành, nhưng có những thông tin không thể chia sẻ như vậy. "Phải có những quy định về thu thập, sử dụng dữ liệu để bảo đảm tính riêng tư, an toàn. Ví dụ chúng ta đang khuyến khích sử dụng camera để giám sát an ninh, trật tự, đòi hỏi phải có quy chế, phải có chế tài bằng pháp luật rất rõ ràng đối với những ai được và không được phép truy cập, sử dụng cho việc gì,...", ông Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhấn mạnh. |
Thành phố thông minh không thể thiếu hạ tầng CNTT và internet nhưng nó lại tiềm ẩn nhiều mối nguy về an ninh mạng.