Vụ hack sàn tiền số 10 năm trước đang khiến Bitcoin chao đảo
Mt. Gox, sàn tiền số từng đứng đầu thế giới, bắt đầu trả Bitcoin cho nạn nhân từ vụ hack 2014, đang khiến giá đồng này lao dốc do lo sợ làn sóng bán tháo.
Vào giai đoạn đỉnh điểm cách đây 10 năm, Mt. Gox chịu trách nhiệm xử lý hơn 70% khối lượng giao dịch Bitcoin và các loại tiền số khác. Nhưng tháng 2/2014, sàn tuyên bố đóng cửa với lý do làm mất 750.000 Bitcoin của khách hàng và 100.000 Bitcoin của công ty, tương đương 500 triệu USD khi đó và 46,5 tỷ USD hiện tại.
Sau gần một thập kỷ đấu tranh, tháng 1/2021, công ty CoinLab đạt thỏa thuận với Nobuaki Kobayashi, người được ủy thác vụ phá sản của Mt. Gox, để trả lại tiền cho người dùng. Người này được cho là đang giữ 142.000 Bitcoin, tương đương 8 tỷ USD. Thời gian dự kiến chi trả là tháng 10/2024, nhưng quá trình đang diễn ra sớm hơn.
Sáng 5/7, Mt. Gox chuyển 47.228 Bitcoin, tương đương 2,6 tỷ USD, từ ví lạnh sang một ví mới, khởi động việc hoàn trả cho 20.000 người dùng, chấm dứt thời gian chờ đợi kéo dài một thập kỷ qua. Tuy nhiên, thông tin xung quanh động thái này đã kích hoạt một đợt bán tháo tuần qua. Từ mức 63.000 USD mỗi đồng đầu tháng 7, giá Bitcoin rơi xuống vùng 53.000 USD và hiện ở mức 55.000 USD.
Minh họa tiền số Bitcoin lao dốc. Ảnh: CoinTelegraph
"Nhiều người có tài sản kẹt trong vụ phá sản Mt. Gox rõ ràng sẽ rút tiền mặt", John Glover, Giám đốc đầu tư của công ty cho vay tiền số Ledn, nói với CNBC. "Sau những gì đã xảy ra, họ chọn lấy tiền (sau khi được hoàn Bitcoin) và bỏ chạy khỏi thị trường".
"Dù là tin vui với nạn nhân của Mt. Gox, việc bán tháo khó tránh khỏi, khiến thị trường vốn đã nhạy cảm như tiền số tiếp tục tạo tâm lý lo lắng là điều dễ hiểu", James Butterfill, đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại CoinShares, nêu quan điểm.
Từ tháng trước, các nhà phân tích JP Morgan cũng dự đoán người được Mt.Gox đền bù sẽ sớm bán Bitcoin kiếm lời, nhưng sự biến động sẽ sớm kết thúc trong tháng 7. Tương tự, Lennix Lai, Giám đốc thương mại của sàn OKX, đánh giá tình trạng bán tháo liên quan đến Mt. Gox là mối lo ngắn hạn. "Các chủ nợ của Mt. Gox hầu hết là người đam mê Bitcoin lâu năm, ít có khả năng bán hết Bitcoin ngay lập tức", ông nói.
Theo Butterfill, thị trường cũng có đủ thanh khoản trong trường hợp Bitcoin bị bán ra. "Khối lượng giao dịch Bitcoin hàng ngày trên các sàn hàng đầu đang hơn 8,7 tỷ USD, nghĩa là thị trường hoàn toàn có khả năng hấp thụ áp lực bán", ông nhận định.
Do đó, JPMorgan dự đoán giá Bitcoin giảm mạnh trong tháng 7, nhưng sẽ bắt đầu phục hồi từ tháng 8.
Dư âm vụ hack hơn 10 năm trước
Cuối 2006, lập trình viên Jed McCaleb nghĩ đến việc xây dựng một website cho người chơi game Magic: The Gathering Online có thể giao dịch lá bài. Tháng 1/2017, ông mua tên miền mtgox.com, nhưng sau đó chuyển sang dự án khác vì cảm thấy "không đáng dành thời gian cho nó".
Năm 2010, McCaleb đọc về Bitcoin và nhận thấy cộng đồng cần một sàn giao dịch. Tháng 7 cùng năm, ông giới thiệu sàn và lấy tên miền mtgox.com làm tên miền phụ. Tháng 3/2011, ông bán website cho nhà phát triển người Pháp sống tại Nhật Bản, Mark Karpelès.
Mark Karpelès, cựu CEO sàn Mt. Gox. Ảnh: Japan Times
Karpelès đưa Mt. Gox lên thời kỳ đỉnh cao, xử lý hàng triệu giao dịch tiền số khi đó. Tuy nhiên, một đợt tấn công mạng đã diễn ra, nhắm vào website vốn được xây dựng với độ bảo mật lỏng lẻo và khiến hàng trăm nghìn Bitcoin dần bị "rút ruột".
Theo BitBO, việc phá sản diễn ra tháng 2/2014, nhưng Mt. Gox đã bị tấn công từ vài năm trước. Ngày 13/6/2011, sàn thông báo 25.000 Bitcoin từ 478 tài khoản bị đánh cắp. Sáu ngày sau, công ty trải qua sự cố thứ hai khi hacker chiếm một máy tính từ kiểm toán viên Mt. Gox và đổi giá Bitcoin xuống còn 1 cent. Kẻ gian mua 2.000 Bitcoin với giá này và chuyển đi trước khi bị phát hiện. Vài phút sau, giá Bitcoin trở về mức cũ. Công ty khẳng định vẫn "kiểm soát được tình hình" bằng cách chuyển 424.242 Bitcoin sang từ ví lạnh sang ví nóng của sàn.
Tháng 10/2011, Mt. Gox tiếp tục xuất hiện 20 giao dịch được đánh giá "không hợp lệ", khiến tổng cộng 2.609 Bitcoin được chuyển đến ví không xác định và cũng không có khóa riêng.
Sau các đợt tấn công và lỗ hổng được phát hiện, Mt. Gox thắt chặt an ninh hơn. Tuy nhiên, cuộc điều tra sau này cho thấy khóa riêng của Mt. Gox không được mã hóa sau năm 2011, khiến 650 Bitcoin tiếp tục bị đánh cắp, dù chưa rõ khóa "được lấy thông qua một vụ tấn công hay nhờ sự giúp đỡ của người trong cuộc".
Trong vài năm tiếp theo, hacker vẫn âm thầm rút ruột Bitcoin từ Mt. Gox nhưng sàn không hay biết. Đến 2013, giữa lúc công ty tận hưởng thành công lớn, họ mất gần như toàn bộ số Bitcoin của mình. "Điều đáng ngạc nhiên là họ gần như không biết gì, dù đã mất khả năng thanh toán trong gần hai năm trước khi sự việc được công khai năm 2014", một chuyên gia nói với BitBO.
Investor Pedia dẫn lời các cựu nhân viên cho biết trước khi bị tấn công, nhiều thành viên Mt. Gox đã chỉ trích tình trạng quản lý yếu kém, thiếu tổ chức, nhưng không được ghi nhận. Một nhà phát triển ẩn danh nói công ty thậm chí không sử dụng phần mềm kiểm soát phiên bản, được sử dụng để ngăn đồng nghiệp vô tình ghi đè lên công việc của người khác nếu tình cờ thao tác trên cùng một tệp.
Giao diện của Mt. Gox khi còn hoạt động. Ảnh: Blockonomi
Theo tài liệu tòa án Mỹ được công bố tháng 6/2023, kẻ tấn công được xác định là Alexander Verner và Alexey Bilyuchenko cùng một số người khác. Năm 2011, Verner và Bilyuchenko đã truy cập được vào cơ sở dữ liệu giao dịch và dữ liệu người dùng Mt. Gox. Từ đó đến 2014, chúng chuyển hơn 647.000 Bitcoin khỏi ví Mt. Gox, một nửa sang sàn BTC-e, một sàn bị FBI đóng cửa năm 2017. Phần còn lại được chuyển đến các ví sàn khác như TradeHill, BitInstant.
Sau khi Mt. Gox tuyên bố phá sản do bị hack thời gian dài, Bitcoin đã lao dốc từ 1.000 USD mỗi đồng xuống 600 USD mỗi đồng. Đến tháng 3/2017, khi quay lại đỉnh cũ, tiền số này có lúc xuống 200 USD mỗi đồng, gây ra một "mùa đông tiền số" kéo dài khoảng ba năm.
Nguồn: [Link nguồn]
Gã khổng lồ tìm kiếm Google đang kiện hai kẻ lừa đảo với cáo buộc đã đe dọa tính toàn vẹn của Play Store.