"Virus" tin giả của thế giới ảo: Teen tự điều chế "vắc-xin" bảo vệ mình trên không gian mạng
Trước "ma trận" tin giả xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, làm thế nào để ngăn chặn có hiệu quả loại "virus" độc hại này?
"Virus" tin giả và những "biến chủng" liên quan
Thời gian vừa qua, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng xuất hiện nhiều loại tin giả, xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam.
Đáng nói là nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán khi chưa kiểm chứng nội dung. Những thông tin trên không chỉ gây hoang mang trong dư luận mà còn gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng.
Vào đầu tháng 8 vừa qua, nhiều tài khoản Facebook cá nhân cũng như các fanpage chia sẻ, phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch COVID-19: “Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ: Xem tất cả bạn bè, người thân, người ta phải tiếp xúc như là người nhiễm dịch. Có như thế chúng ta mới quyết liệt chống dịch được. Chúng ta đừng sợ mất lòng nhau! Không ngồi gần, không ôm ấp, không bắt tay… ngay cả với những người yêu thương nhất…”. Thông tin này ngay sau đó đã được Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) khẳng định là giả mạo.
Cũng trong tháng 8, một số tài khoản trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện một người mặc đồ liên quan lĩnh vực mai táng, hỏa táng chở các hũ tro cốt người mất đi giao ở các khu phong tỏa. Số tro cốt được bỏ vào một giỏ nhựa chở sau xe khiến nhiều người cảm thấy thương xót.
Bài viết ngay sau đó đã được rất nhiều tài khoản khác dẫn link, chia sẻ và nhận được rất nhiều bình luận bởi sự “đau buồn, tang thương đến tận cùng”. Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội, trao đổi với báo chí, chủ cơ sở mai táng có người giao tro cốt trong bài viết nói trên cho biết, nhiều nội dung trong thông tin trên là sai sự thật. Hay mới đây là tin giả bác sĩ rút ống thở của ba mẹ để cứu sản phụ sinh đôi gây xôn xao dư luận.
Các đối tượng này đã sử dụng thông tin, hình ảnh không đúng sự thật gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân, thậm chí tung tin xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh, bôi nhọ chính quyền nhằm phủ nhận mọi nỗ lực chống dịch của Việt Nam, kích động người dân làm ngược lại những khuyến cáo, quy định chống dịch của Chính phủ.
Thậm chí một số tài khoản mạng xã hội còn đăng tải những thông tin mang tính kích động vùng miền, chia rẽ người dân với chính quyền, tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin COVID-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc-xin phòng COVID-19; diễn biến dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam.
Bên cạnh đó, còn là những tin giả "núp bóng" các bài thuốc chữa COVID-19 nhằm tăng lượt xem hoặc trục lợi trên sự lo lắng của cộng đồng. Những thông tin xấu được lan truyền, phát tán trên mạng xã hội không chỉ gây nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang, hoài nghi, lo lắng trong dư luận mà còn tác động, ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội, đến đạo đức, sinh hoạt của cá nhân, cộng đồng, tạo cơ hội cho phần tử xấu, thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá, gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Giới trẻ cần tự điều chế “vắc-xin” bảo vệ bản thân mình trên không gian mạng
Mạng xã hội đã mang đến cho những “cư dân ảo” của mình quyền được bày tỏ ý kiến, được chia sẻ cảm xúc một cách tự do nhất. Nhưng tự do không đồng nghĩa với việc bạn được thoải mái và dễ dãi với phát ngôn của mình hay với những thông tin mà bạn chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội. Bởi trong nhiều trường hợp, những lời nói dưới mác “quan điểm cá nhân” lại gây ảnh hưởng tiêu cực cho cả cộng đồng.
Ngay từ đầu tháng Hai, tổ chức Y tế Thế giới WHO đã cảnh báo: Đại dịch tin giả là cuộc chiến song hành với COVID-19 ngoài đời thực. Nhưng không chỉ trong thời điểm dịch bệnh hiện tại, mà có lẽ với mọi thời điểm, chúng ta cũng cần phải tự điều chế những liều “vắc-xin” bảo vệ bản thân mình trên không gian mạng.
(Ảnh minh hoạ từ Internet)
Thành phần số 1: Hãy hoài nghi một cách tích cực!
Những câu hỏi để xác thực thông tin là: Thông tin này từ đâu, đăng khi nào? Nếu có nguồn thì đó là nguồn gì, có đáng tin cậy hay không? Ai được trích dẫn trong mẩu tin và người đó có thẩm quyền hay tư cách để nói về vấn đề liên quan không?,…
Ngoài ra, hãy sử dụng những công cụ giúp bạn xác minh độ tin cậy của nguồn tin như công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google (images.google.com), trang Foto Forensics để biết một bức ảnh có bị thay đổi bối canh hay chỉnh sửa không...
Thành phần số 2: Nghĩ 7 lần trước khi gõ phím
Luôn nhắc nhở bản thân “nghĩ trước khi gõ/ share” cũng giống như bạn thường được nhắc nhở “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Phát ngôn một cách có trách nhiệm trên mạng xã hội, chính là biểu hiện của sự trách nhiệm đối với chính bản thân mình.
Thế giới đang phải đối mặt thêm với cuộc chiến chống tin giả, bên cạnh dịch COVID-19. Ảnh minh họa: Sarah Hanson
“Mạng xã hội sẽ chỉ cho bạn thấy cái mà bạn muốn thấy” - Lựa chọn đối mặt với những thông tin, cảm xúc tiêu cực hay tích cực của mình và người khác, đó hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bản thân bạn, vào những nút like, share chỉ mất vài giây thực hiện nhưng lại góp sức ảnh hưởng tới cộng đồng.
Bạn có thể chia sẻ các thông tin tốt, hành động đẹp trong mùa dịch bệnh để củng cố niềm tin vào các y bác sĩ tuyến đầu và cơ quan chức năng.
Thành phần số 3: Tìm kiếm thông tin ở địa chỉ tin cậy
Các trang fanpage của truyền hình, báo chí chính thống luôn cập nhật rất nhanh diễn biến về tình hình dịch bệnh, vậy nên teen chẳng cần phải mất nhiều công sức đi dò đoán từ những nguồn “nghe nói là”, “nghe đồn rằng” đâu nhé! Thay vì tự mình dọa mình vì tin tức tiêu cực, hãy bình tĩnh chờ đợi tin chính thức của các cơ quan chức năng cũng như báo chí chính thống nhé!
Nguồn: [Link nguồn]
Chủ đề 'trực tiếp bóng đá' đã nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng với hơn 100.000 lượt truy vấn chỉ trong sáng...