Viettel đạt doanh thu "khủng" cỡ nào trong năm 2023, đã có bao nhiêu trạm 5G?
Năm 2023, thị phần viễn thông của Viettel tăng thêm 1,64% và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu bền vững với 56,5%.
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo đó, năm 2023 là năm Viettel đạt được thành tựu trên tất cả các lĩnh vực viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất & logistic. Kết thúc 2023, Viettel đạt doanh thu hợp nhất 172,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 5,4%.
Viettel đã tiến tới 500 trạm thu phát sóng 5G.
Cụ thể, năm 2023, thị phần viễn thông của Viettel tăng thêm 1,64% và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu bền vững với 56,5%. Các dịch vụ ngoài di động cũng giữ vị thế số 1 gồm cố định băng rộng (FTTH) với 43% thị phần; truyền hình trên đa nền tảng với 8,6 triệu khách hàng, chiếm 31,2% thị phần.
Viettel tiếp tục là nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt nhất Việt Nam theo đánh giá của Umlaut, và nằm trong top 40 nhà mạng có chất lượng tốt nhất thế giới. Dịch vụ 5G đã được triển khai thử nghiệm khoảng 500 trạm tại 63 tỉnh, thành phố. Viettel cũng đã triển khai mạng di động 5G dùng riêng trong thực tế.
Hiện, Viettel đã chuyển dịch thành công 5,8 triệu thuê bao 2G lên 4G (đạt 109% kế hoạch), nâng tỷ trọng thuê bao 4G lên 80%; chuẩn hóa thông tin giai đoạn 2 cho 8,6 triệu thuê bao, đạt 100% kế hoạch; ứng dụng công nghệ AI để tối ưu hiệu quả chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Trong năm qua, Viettel đã hoàn thành chương trình thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money với khoảng 5 triệu khách hàng sử dụng, trong đó 73% khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đảm bảo đúng định hướng đề ra.
Sau 2 năm ra mắt, TV360 đã đạt 10 triệu thuê bao sử dụng thường xuyên, lớn nhất thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam và đã bắt đầu mở rộng sang thị trường nước ngoài. Hệ sinh thái tài chính số Viettel Money dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng tài chính trên Google Play và App Store tại Việt Nam với hơn 24 triệu người dùng, chiếm 32% thị phần ví điện tử, 60% thị phần tiền di động.
Ứng dụng công nghệ AI, Viettel đã cung cấp các sản phẩm mới: Trợ lý ảo pháp luật, trợ lý ảo cho cán bộ công chức, dịch vụ xác thực thẻ CCCD gắn chip cho Bộ Công an, nền tảng phân tích dữ liệu ở 14 tỉnh trên cả nước. Trong năm, Viettel còn triển khai nhiều hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn tại Hà Nội và TP.HCM, góp phần phát triển hệ sinh thái dịch vụ Cloud lớn nhất cả nước.
Doanh thu nước ngoài của Viettel tăng trưởng 20,5%, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới. Natcom vươn lên dẫn đầu tại Haiti, đưa Viettel giữ vị trí số 1 tại 6 thị trường nước ngoài (bao gồm: Natcom tại Haiti, Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Mytel tại Myamar, Telemor tại Đông timor, Lumitel tại Bunrudi).
Lĩnh vực an toàn thông tin do Viettel cung cấp dịch vụ đã mở rộng kinh doanh ra 4 thị trường quốc tế gồm Nhật Bản, Myanmar, Đông Timor và Hồng Kông. Nền tảng tài chính số Viettel Digital Finance thì đã xuất khẩu ra 7 thị trường nước ngoài, nhiều thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Mozambique (450%), Lào (244%), Haiti (232%), Đông Timor (139%), Burundi (91%).
Đặc biệt, Viettel đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Viettel đã công bố nghiên cứu thành công chip 5G DFE (là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, với khả năng tính toán lên tới 1.000 tỷ phép tính/giây), đánh dấu bước tiến đột phá trong ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Ấn Độ là quốc gia được mệnh danh cường quốc về công nghệ thông tin, cụ thể là gia công phần mềm.
Nguồn: [Link nguồn]