Việt Nam sẽ giải "cơn khát" thiếu 1 triệu nhân lực ngành bán dẫn ra sao?

Sự kiện: Công nghệ

Thế giới có thể sẽ thiếu 1 triệu nhân lực ngành bán dẫn tới năm 2023, và Việt Nam sẽ giải "cơn khát" này.

Tập đoàn FPT vừa hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Tổ chức Chuyên gia công nghệ Mỹ thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn tại Việt Nam.

Theo dự đoán của các chuyên gia về nhân lực toàn cầu, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự. (Ảnh minh họa)

Theo dự đoán của các chuyên gia về nhân lực toàn cầu, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự. (Ảnh minh họa)

Trung tâm Đào tạo bán dẫn được thành lập sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đào tạo nhân lực bán dẫn trong nước và tài trợ sản xuất cho các dự án bán dẫn, tạo cơ hội cho các dự án thiết kế vi mạch từ ý tưởng đi vào thực tiễn. Từ đó từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế. 

Cụ thể, các bên tham gia hợp tác sẽ cùng đóng góp nguồn lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến 2045 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Đồng thời, các bên thống nhất tài trợ 300 suất học bổng theo chương trình đào tạo chuẩn quốc tế nâng cao kỹ năng cho sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực bán dẫn tại 20 trường đại học hàng đầu Việt Nam; hỗ trợ sản xuất cho 13 dự án thiết kế vi mạch xuất sắc trong năm 2024. Hiện, Trung tâm Đào tạo bán dẫn đã nhận được sự đồng hành của các công ty phần mềm thiết kế IC hàng đầu thế giới như Cadence, Synopsys, Siemens, Silvaco.

Trong khuôn khổ hợp tác, FPT cam kết sẽ tài trợ chi phí cho các dự án vi mạch tiềm năng cũng như tài trợ cơ sở vật chất, máy chủ, cơ sở hạ tầng, khung chương trình đào tạo trực tuyến và các cố vấn, chuyên gia trợ giảng cho các chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực bán dẫn mà Trung tâm tập trung thúc đẩy.  

Tập đoàn FPT là một trong các đơn vị CNTT đi đầu trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Năm 2022, Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) được thành lập, tập trung thiết kế chip vi mạch. FPT Semiconductor đã nhận đơn đặt hàng 70 triệu chip trong 2 năm 2024 và 2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực thiết bị y tế và nhiều ứng dụng điện tử.

Trong lĩnh vực đào tạo, Trường Đại học FPT đã kết hợp với FPT Semiconductor thành lập khoa vi mạch bán dẫn vào tháng 9/2023, góp phần đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn chất lượng cao cho quốc gia. FPT cũng bắt tay với đối tác công nghệ Mỹ Silvaco để cùng với FPT Semiconductor, Đại học FPT hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Mỹ.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Huy động nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam

"Một nhân tài có thể dẫn dắt được hàng chục, hàng trăm người đi theo".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC PHẠM ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN