Việt Nam sẽ có thêm 10 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng lên 350Tbps

Sự kiện: Đứt Cáp Quang

Hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam phải được ưu tiên đầu tư hiện đại, đi trước một bước.

Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), vừa qua, Bộ này đã ra quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”.

Chiến lược chỉ rõ: Hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam là thành phần quan trọng của hạ tầng số, phải được ưu tiên đầu tư hiện đại, đi trước một bước, bảo đảm kết nối của Việt Nam ra quốc tế có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, an toàn, bền vững, đủ không gian để một số đô thị trở thành trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub).

Cáp quang biển kết nối giữa Việt Nam và quốc tế liên tục gặp sự cố trong những năm qua. (Ảnh minh họa)

Cáp quang biển kết nối giữa Việt Nam và quốc tế liên tục gặp sự cố trong những năm qua. (Ảnh minh họa)

Phát triển hệ thống cáp quang quốc tế nhằm mục tiêu xây dựng khả năng tự chủ trong việc thiết lập, triển khai, sửa chữa các tuyến cáp quang quốc tế, đảm bảo an toàn cho mạng lưới Internet Việt Nam, đáp ứng đầy đủ nhu cầu kết nối quốc tế cho phát triển kinh tế số, xã hội số, quốc phòng - an ninh.

Các doanh nghiệp nhà nước tiên phong triển khai cáp quang quốc tế, thúc đẩy các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng để nhanh chóng phát triển đột phá hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam. 

Mục tiêu đến 2030

Triển khai và đưa vào hoạt động tối thiểu thêm 10 tuyến cáp quang trên biển mới với công nghệ hiện đại, nâng tổng số tuyến cáp quang trên biển của Việt Nam lên tối thiểu 15 tuyến với dung lượng tối thiểu 350Tbps.

Triển khai và đưa vào hoạt động tối thiểu 2 tuyến cáp quang trên biển do Việt Nam làm chủ kết nối trực tiếp tới các Digital Hub trong khu vực.

Hệ thống cáp quang trên biển của Việt Nam được triển khai phân bổ hài hòa theo tất cả các hướng khả thi về mặt kỹ thuật: Kết nối ra biển Đông lên phía Bắc; kết nối ra biển Đông xuống phía Nam; kết nối ra vùng biển phía Nam.

Triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 2 tuyến cáp quang đất liền quốc tế, đảm bảo tổng dung lượng cáp quang quốc tế trên đất liền đạt tối thiểu 15% dung lượng sử dụng thực tế của hệ thống cáp quang trên biển.

Tầm nhìn đến 2035

Hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu của khu vực về cả số lượng, dung lượng và chất lượng, trở thành lợi thế thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn (Data Center), các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn tới siêu lớn (Hyperscale Cloud). Kết nối đa dạng, an toàn, bền vững, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng truyền dẫn dữ liệu của khu vực và quốc tế, tạo ưu thế và động lực đưa một số đô thị trở thành Digital Hub, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số.

Lộ trình triển khai các tuyến cáp quang quốc tế

Đến năm 2027

Triển khai và đưa vào hoạt động thêm 4 tuyến cáp quang biển mới, nâng tổng dung lượng đạt tối thiểu 134Tbps;

- Tiếp tục duy trì tối thiểu Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản là Digital Hub kết nối chính;

- Định kỳ rà soát, đánh giá các Digital Hub xây dựng phương án duy trì/chuyển dịch/bổ sung các điểm kết nối phù hợp theo từng thời kỳ;

- Hoàn thành và đưa vào sử dụng tối thiểu 1 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ;

- Triển khai và đưa vào sử dụng tối thiểu 1 tuyến cáp quang đất liền quốc tế.

Từ năm 2028 đến năm 2030:

- Triển khai và đưa vào hoạt động thêm tối thiểu 6 tuyến cáp quang biển mới nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350Tbps;

- Hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 1 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ;

- Triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu 1 tuyến cáp quang đất liền quốc tế;

- Duy trì kết nối tối đa 90% dung lượng cáp quang trên biển tới tối thiểu 4 Digital Hub lớn lân cận trong khu vực châu Á;

- Duy trì kết nối dự phòng tối thiểu 10% dung lượng cáp quang trên biển tới tối thiểu 2 Digital Hub lớn tại các khu vực châu Mỹ và châu Âu.

Đảm bảo an toàn, bền vững hạ tầng cáp quang quốc tế

Đối với các tuyến cáp quang hướng ra vùng biển phía Nam, triển khai hài hòa các phương án: Kết nối trực tiếp tới các Digital Hub, kết nối với các tuyến cáp quang biển theo mô hình liên doanh (Consortium).

Ưu tiên tham gia các Liên doanh có nhiều thành phần, đa quốc gia, kết nối đa hướng tới nhiều Digital Hub. 

Định kỳ rà soát, điều chỉnh phương án ưu tiên hướng kết nối đảm bảo cân bằng hài hòa các hướng kết nối. 

Tổng dung lượng cáp quang biển thiết kế đáp ứng nhu cầu dự phòng tối thiểu 1 + 2 (dung lượng khả dụng gấp 3 lần dung lượng sử dụng thực tế). 

Xây dựng phương án triển khai nhanh tuyến cáp quang biển mới (thời gian hoàn thành dưới 2 năm) dự phòng trường hợp phát sinh tăng trưởng đột biến nhu cầu.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngày 13/6, tuyến cáp quang biển Liên Á (IA) gặp sự cố gây ảnh hưởng đến Internet Việt Nam đi quốc tế. Hai tuyến cáp APG và AAE-1 gặp sự cố trước đó cũng chưa được khắc phục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Thanh ([Tên nguồn])
Đứt Cáp Quang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN