Việt Nam phóng vệ tinh NanoDragon vào cuối năm 2020

Sự kiện: Công nghệ

Vệ tinh siêu nhỏ NanoDragon được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam, sẽ được phóng lên vũ trụ vào cuối năm 2020, theo Chương trình phóng tên lửa của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).

Việt Nam phóng vệ tinh NanoDragon vào cuối năm 2020 - 1

TS Lê Xuân Huy, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, đơn vị này đang nghiên cứu, chế tạo vệ tinh NanoDragon. Vệ tinh siêu nhỏ này có khối lượng 10kg, được phát triển, hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia tại Việt Nam.

Khi phóng lên vũ trụ, vệ tinh này có nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ về điều khiển hướng của vệ tinh trên quỹ đạo và thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy bằng dòng vệ tinh nano.

Đây là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020.

Mới đây vệ tinh này cũng đã được JAXA thông báo đồng ý đưa lên quỹ đạo theo “Chương trình trình diễn công nghệ vệ tinh tiên tiến 2”, dự kiến vào năm 2020.

Nano Dragon là bước tiếp theo trong tiến trình làm chủ công nghệ vệ tinh ở Việt Nam. Trước đó, vào lúc 8h55 phút (giờ Hà Nội) ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian, đánh dấu việc Việt Nam có thể làm chủ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ 50kg.

MicroDragon được nghiên cứu, chế tạo bởi đội ngũ 36 kỹ sư Việt Nam tham gia đào tạo tại Nhật Bản, dưới sự hướng dẫn của các GS người Nhật. NanoDragon sẽ được nghiên cứu, phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam.

Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, để làm chủ công nghệ vệ tinh, Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đặt ra một lộ trình. Theo đó, Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ vệ tinh thông qua việc thiết kế, chế tạo từ vệ tinh siêu nhỏ, vệ tinh nhỏ đến những vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến nhất là công nghệ radar (LOTUSat-1).

Cụ thể, năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo được phóng và hoạt động tương đối ổn định 3 tháng trên vũ trụ.

Cũng trong năm 2013, các kỹ sư Việt Nam bắt tay vào thiết kế, chế tạo vệ tinh MicroDragon có khối lượng 50kg, hợp phần của dự án đào tạo 36 thạc sỹ hàng không vũ trụ Việt Nam ở Nhật Bản. Lễ ký kết gói thầu Vệ tinh LOTUSat-1 cũng đã diễn ra trong năm 2019

Ở nước ta, việc làm chủ công nghệ vệ tinh còn có ý nghĩa thực tiễn quan trọng bởi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu. Hàng năm, Việt Nam đối mặt với nhiều thiên tai như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất. Ước tính thiên tai có thể gây thiệt hại 1,5% GDP, tương đương khoảng 3,2 tỷ USD mỗi năm.

Theo báo cáo của NASA, việc sử dụng dữ liệu vệ tinh có thể giảm tới 5% - 10 %  tổng thiệt hại do thiên tai gây ra (khoảng 0,05% GDP). Việc làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, vận hành vệ tinh sẽ giúp Việt Nam chủ động nguồn ảnh, không phụ thuộc vào nước ngoài, nhất là trong các tình huống cấp bách khi thiên tai, thảm họa xảy đến.

Nguồn: [Link nguồn]

Khác biệt lớn giữa 4G và 5G sẽ biến kỷ nguyên vạn vật kết nối thành hiện thực

Uber hay các ứng dụng gọi xe khác ra đời nhờ có 4G. Với 5G, các chuyến đi này có thể thực hiện mà không cần người lái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN