Việt Nam ở top đầu về số người dùng Internet

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, Việt Nam đứng thứ 18 trên tổng số 20 quốc gia có số lượng người dùng Internet nhiều nhất trên thế giới, xếp thứ 8 tại khu vực châu Á và thứ 3 Đông Nam Á.

Thông tin trên được ông Thắng đưa ra tại Lễ kỷ niệm 15 năm Internet Việt Nam vào sáng 1/12.

Gia nhập mạng Internet vào 19/11/1997, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về cơ sở hạ tầng mạng. Đến 2003, Việt Nam mới chỉ có khoảng 1,8 triệu người dùng Internet. Tuy nhiên, kể từ khi VNPT đi đầu trong việc triển khai Internet băng rộng ADSL, Internet đã thực sự bùng nổ.

Việt Nam ở top đầu về số người dùng Internet - 1

Ảnh minh họa

Cùng đó, sự tăng trưởng vũ bão của thiết bị truy nhập, dịch vụ cũng như yêu cầu của người dùng, băng thông kết nối trong nước đã được nâng cấp vượt bậc. Hiện, Việt Nam là quốc gia có cơ sở hạ tầng được đánh giá thuộc loại tốt nhất khu vực.

Báo cáo toàn cảnh 15 năm của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cũng cho thấy, đến tháng 9/2012, số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam đã đạt trên 31 triệu, chiếm 35,49% dân số.

Ngoài ra, sự ta đời của dịch vụ Internet qua 3G (tháng 10/2009-VinaPhone là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ) đã đánh dấu thời kỳ phát triển của Internet băng rộng vô tuyến. Đến tháng 7/2012, đã có hơn 16 triệu người sử dụng, chiếm 18% dân số.

Hiện, Internet băng rộng đã cung cấp dịch vụ khắp cả nước với tỷ lệ xã có Internet tại thành thị đạt 99,85% và nông thôn là 84,46%; số hộ gia đình kết nối Internet đạt 8,2% trên tổng số 12,6% hộ gia đình có máy tính.

Con số của VIA đưa ra cũng cho thấy, người sử dụng Internet Việt Nam dành khá nhiều thời gian để lên mạng với trung bình là 142 phút/ngày trong tuần. Việc truy cập Internet chủ yếu qua máy tính để bàn (84%), máy tính xách tay (38%) và thiết bị di động (27%)…

Trong đó, việc truy cập Internet để đọc tin tức chiếm 94%, tìm kiếm 92%, nghe nhạc 78%, nghiên cứu học tập/công việc chiếm 72%... Về đối tượng sử dụng, lực lượng học sinh, sinh viên chiếm đông đảo với 33%, tiếp sau là điều hành các cấp/nhân viên cấp dưới chiếm 15%...

Tuy đạt được nhiều thành tựu, song ông Thắng cũng nói còn rất nhiều thách thức đang chờ đợi với những nguy cơ bùng nổ mặt trái như quản lý nội dung thông tin, vấn đề an toàn thông tin trên Internet…. Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển nội dung trên Internet, thời gian tới cần phải có cơ chế để đảm bảo an toàn an ninh cũng như môi trường pháp lý để doanh nghiệp Việt cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực (người mở đường cho sự bùng nổ Internet về Việt Nam) cho rằng, cuộc sống Internet không phải là ảo, mà một môi trường sống khác. Do đó, các chế tài cuộc sống thật cần được áp dụng ở Internet, cần phải có những giải pháp kỹ thuật, quản lý bằng luật pháp, tuyên truyền rộng rãi để Internet Việt Nam phát triển bền vững.

Tham vọng cực lớn của VNPT, Viettel

Nói về tham vọng đưa ngành Internet ở Việt Nam phát triển, ông Nguyễn Minh Dân, đại diện VNPT cho hay mục tiêu của VNPT đến 2015 là trở thành 1 trong 10 doanh nghiệp lớn nhất châu Á về cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet. Để đạt được mục tiêu, VNPT tiếp tục triển khai hạ tầng, chăm sóc khách hàng một cách rộng khắp. Đặc biệt, đơn vị này sẽ hướng tới giáo dục, Chính phủ điện tử…

Về phía Viettel, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng có tham vọng mỗi người dân sẽ có một điện thoại thông minh để truy cập Internet, mỗi gia đình có một đường truyền băng rộng và đầu tư ra nước ngoài.

Hiện, Viettel đã sản xuất thành công Smartphone giá rẻ, 3G phủ 80% dân số, cung cấp miễn phí Internet tới 30.000 trường học. Tới năm 2015, Viettel phấn đấu phủ 40% hộ gia đình có cáp đồng trục, cáp quang hóa gần 100% xã, cung cấp Internet siêu cao cho những gia đình có nhu cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Hiền (Vietnam+)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN