Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về phát tán thư rác
Lượng thư rác có nguồn gốc từ Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ, thậm chí cao hơn cả Trung Quốc.
Báo cáo “Thư rác và lừa đảo bằng email trong quý 3.2015” của Kaspersky Lab đã tiết lộ xu hướng gửi thư rác và lừa đảo bằng email trên toàn cầu. Mặc dù tỷ lệ thư rác trong lưu lượng email giảm kể từ quý trước đó, nhưng các đối tượng phát tán thư rác đang sử dụng nhiều mánh khóe để lừa người nhận và qua mặt bộ lọc email.
Báo cáo cho thấy, trong quý 3.2015, thư rác chiếm 54,2% trong lưu lượng email, giảm 0,8% so với quý trước. "Top 3" nguồn thư rác được nhắc đến là Mỹ (15,3%), Việt Nam (8,4%) và Trung Quốc (7,2%).
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về phát tán thư rác.
Để qua mặt các bộ lọc thư rác, liên kết lừa đảo nằm trong một tài liệu PDF được đính kèm chứ không nằm trong phần nội dung của email.
Trong quý vừa qua, kẻ gian đã lợi dụng kỳ nghỉ hè để phát tán những thông báo giả mạo về dịch vụ đặt vé máy bay và khách sạn. Chương trình độc hại đính kèm như Trojan-Downloader.JS.Agent.hhy - giả dạng vé máy bay điện tử hoặc đặt phòng ở khách sạn.
Một loại thư rác khác đưa ra một danh sách cô dâu được tuyển chọn (chủ yếu ở Nga và Ukraine) để gửi đến những chú rể ngoại quốc. Sau khi hồi âm, mục tiêu sẽ bị nhận thêm nhiều thư rác nữa và một vài cô dâu bị ép phải trả tiền để gặp “vị hôn phu” của mình.
Như trong quý 2, Trojan-Spy.HTML.Fraud.gen lại một lần nữa đứng đầu về tỷ lệ chương trình độc hại được gửi qua email. Những email này lừa mục tiêu bằng cách làm giả những thông báo quan trọng từ ngân hàng thương mại, hãng hàng không hoặc cửa hàng trực tuyến.
Có những thay đổi lớn trong top 3 quốc gia mục tiêu bị tấn công bằng email so với quý 2. Đức (18,47%) vẫn đứng đầu mặc dù tỷ lệ đã giảm 1,12% kể từ quý 2. Lượng thư rác bắt nguồn từ Brazil gần như gấp đôi so với quý 2, làm cho quốc gia này đứng ở vị trí thứ 2. Nga từ vị trí thứ 5 đã leo lên vị trí thứ 3 (7,56%) khi tăng 2,82%. Mỹ (4,56%) đứng thứ 2 trong quý 2 nay đứng ở vị trí thứ 6.
Kaspersky Lab cũng cho biết thêm, hệ thống Anti-Phishing của họ đã được kích hoạt hơn 36,3 triệu lần trên các máy tính, gấp 6 triệu lần so với quý trước đó. Trong quý này, 839.672 dấu hiệu lừa đảo đã được thêm vào cơ sở dữ liệu của Kaspersky Lab.