Vì sao Boeing, Airbus muốn Mỹ hoãn triển khai mạng 5G?

Sự kiện: Mạng 5G

Boeing và Airbus vừa gửi thư yêu cầu Tổng thống Mỹ Joe Biden hoãn ra mắt dịch vụ viễn thông 5G vì lo ảnh hưởng tới khả năng vận hành của máy bay

“Tác động của hệ thống 5G là rất lớn”

Theo hãng tin CNN, Giám đốc điều hành (CEO) Boeing David Calhoun và CEO Airbus Jeffery Knittel, hai nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới, đã gửi thư lên Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg bày tỏ lo ngại, việc ra mắt dịch vụ viễn thông 5G dự kiến vào đầu tháng 1/2022 có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng, tác động xấu tới khả năng vận hành an toàn của máy bay.

Các tập đoàn sản xuất máy bay, cơ quan quản lý hàng không lo ngại tín hiệu máy bay bị ảnh hưởng vì sóng 5G. Ảnh minh họa: Inside Telecom

Các tập đoàn sản xuất máy bay, cơ quan quản lý hàng không lo ngại tín hiệu máy bay bị ảnh hưởng vì sóng 5G. Ảnh minh họa: Inside Telecom

Trong thư, hai vị CEO cho rằng tác động của việc triển khai hệ thống 5G là rất lớn và đến đúng thời điểm ngành hàng không đang vật lộn vì đại dịch Covid-19.

Các Giám đốc điều hành Boeing, Airbus cho biết, họ đã xây dựng một bản đề xuất để giới hạn năng lực truyền 5G ở khu vực gần sân bay, kêu gọi chính quyền ông Biden phối hợp với Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) để thông qua kế hoạch.

Trước đó, các cơ quan quản lý vận tải Mỹ cũng lo ngại dự án chuyển đổi sang hệ thống 5G có thể ảnh hưởng tới một số thiết bị trên máy bay. Một số tập đoàn trong ngành hàng không cũng chia sẻ quan ngại.

Cụ thể, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) lo ngại ăng-ten 5G gần một số sân bay có thể ảnh hưởng tới việc hiển thị thông số của một số thiết bị trên máy bay - vốn có chức năng thông báo cho phi công khoảng cách của máy bay với mặt đất.

Ngoài ra, một số hệ thống quan trọng như máy đo độ cao bằng radar được sử dụng trong suốt chuyến bay cũng có thể bị ảnh hưởng.

Quyết định gây tranh cãi của FAA

Để đảm bảo an toàn, FAA đã ra hướng dẫn khẩn cấp, yêu cầu phi công không sử dụng các hệ thống hạ cánh tự động và một số hệ thống khác ở tầm thấp nơi tín hiệu 5G không dây có thể tác động tới các thiết bị đo khoảng cách từ máy bay tới mặt đất.

Song, với quy định này, một số máy bay có thể không đáp xuống được sân bay trong một vài trường hợp cụ thể vì phi công có khả năng không thể hạ cánh do thiếu thiết bị hỗ trợ.

Hiện, chưa rõ sân bay nào ảnh hưởng vì quy định trên. Khi công bố lệnh, FAA cho biết, thông tin cụ thể về tên sân bay có thể được công bố sau khi cơ quan này nhận được thêm thông tin từ các nhà mạng không dây về nơi hạ tầng 5G có thể gây ảnh hưởng.

Hãng tin CNN ước tính, quy định này có thể ảnh hưởng tới hơn 6.800 máy bay của Mỹ, tác động tới hàng chục nhà sản xuất máy bay và có thể dẫn tới gián đoạn một số tuyến.

Đã có nhiều hãng hàng không như United Airlines phản ứng về quyết định của FAA. Trong đó, CEO United Airlines - Scott Kirby cho biết: “Nếu chúng ta lại quay lại các quy trình và công nghệ máy bay hàng chục năm tuổi, hủy bỏ hàng nghìn chuyến bay mỗi ngày... thì đó sẽ là một thất bại thảm hại của chính phủ”.

Tính đến nay, chỉ còn hơn 1 tuần là tới ngày các nhà mạng 5G kích hoạt dịch vụ (dự kiến vào ngày 5/1 tới). Theo bản đồ dịch vụ do FCC đưa ra, một số khu vực lớn như: California, Florida, New England, Texas và vùng Trung Tây đều sẽ được phủ mạng 5G.

Giới chuyên gia nói gì?

Các chuyên gia công nghệ cho biết, về lý thuyết, ăng-ten 5G có thể gây nhiễu tại khu vực xung quanh sân bay.

Tuy nhiên, thực tế nguy cơ này đã và đang hiện hữu ở tất cả các hệ thống truyền thông không dây, không riêng 5G nhưng các nhà quản lý trên thế giới đã và đang làm tốt công việc này.

“Cần nhấn mạnh rằng, có khoảng 40 quốc gia trên thế giới đã công nhận sử dụng 5G trong dải tần số trong băng tần C”, ông Harold Feld, một chuyên gia viễn thông thuộc tổ chức về người tiêu dùng Public Knowledge nhận định trên blog cá nhân.

“Cụ thể, Nhật Bản đang vận hành các hệ thống 5G có băng tần còn sát hơn với băng tần của thiết bị đo độ cao máy bay nhưng đến nay, chưa ghi nhận bất cứ báo cáo nào về việc hệ thống 5G ảnh hưởng tới thiết bị trên máy bay”, ông Feld chỉ ra.

Về ngành hàng không, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc đều đang vận hành 5G ở mức tương đương như Mỹ. Còn Canada có quy định tạm thời yêu cầu ăng-ten phải nghiêng xuống.

Đặc biệt, theo kinh nghiệm của mình, ông Feld cho biết, các kỹ sư thuộc FCC chắc chắn nắm rõ nguyên tắc, nếu họ làm sai thì có thể dẫn đến mất mạng người nên chắc chắn sẽ không mạo hiểm đưa 5G vào sử dụng khi chưa đảm bảo.

Tuần trước, các nhóm hàng không và viễn thông bao gồm Tập đoàn Thương mại không dây CTIA, Hiệp hội Thương mại Airlines for America (A4A) và Hiệp hội Ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đã có cuộc họp và ra thông báo chung cho biết, các bên sẽ chia sẻ dữ liệu, góp phần giải quyết những nỗi lo về an toàn của dịch vụ không dây 5G do Tập đoàn viễn thông đa quốc gia Verizon Communications và Tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới AT&T thực hiện.

Mạng lưới 5G hoạt động như thế nào?

Tín hiệu 5G sẽ đi trên các tần số vô tuyến thuộc băng tần C và được các nhà mạng ưa chuộng vì có mức độ ổn định tốt, tốc độ đường truyền cao và vùng phủ sóng rộng.

Nhưng xét về quang phổ của tần số được sử dụng cho truyền thông không dây, băng tần C nằm ngay cạnh dải tần số mà thiết bị đo độ cao bằng radar của máy bay sử dụng. Giữa hai dải tần số này được ngăn cách bằng dải tần số bảo vệ để hạn chế bị nhiễu.

Những hiểu lầm về mạng 5G và thực tế có thể bạn chưa biết

Mạng 5G đang trong giai đoạn thử nghiệm thương mại tại Việt Nam, hứa hẹn mang tới một làn gió mới cho thị trường mạng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Mạng 5G Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN