Vật thể khủng khiếp đang sủi bọt trên bầu trời Trái Đất
R Doradus, một vật thể có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái Đất, đang tạo ra những bong bóng khí to gấp 75 lần Mặt Trời.
Theo Sci-News, vật thể khủng khiếp mà các nhà khoa học vừa có cái nhìn cận cảnh này có thể giúp chúng ta nhìn vào tương lai của chính Thái Dương hệ, khi Mặt Trời hóa thành một ngôi sao khổng lồ đỏ và nuốt chửng Trái Đất.
R Doradus (HD 29712) nằm cách chúng ta 178 năm ánh sáng, là một ngôi sao thuộc chòm sao Kiếm Ngư.
Đó là một ngôi sao biến quang, có cấp sao biểu kiến thường xuyên dao động và thường xuyên xuất hiện ở mức độ có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái Đất.
Ảnh chụp R Doradus qua các mốc thời gian khác nhau cho thấy nó có sự thay đổi - Ảnh: ALMA
Trong những hình ảnh được phóng to bởi hệ thống quan sát cực mạnh ALMA, R Doradus mới "hiện nguyên hình" là một con quái vật đang sôi sục.
Theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Wouter Vlemmings từ Đại học Công nghệ Chalmers Thụy Điển), các quả bóng khí nóng mà R Doradus tạo ra khi sủi bọt có đường kính gấp 75 lần Mặt Trời.
Trong khi đó, đường kính toàn bộ ngôi sao hiện tại gấp 350 lần Mặt Trời.
Tuy vậy, nếu xét về khối lượng thì R Doradus chỉ ngang bằng Mặt Trời, cho thấy nó từng là một ngôi sao giống sao mẹ của chúng ta nhưng đã bị phồng lên khi biến thành sao khổng lồ.
Sao khổng lồ đỏ vốn là giai đoạn "hấp hối" của ngôi sao, khi nó sắp cạn năng lượng và trở nên siêu rực rỡ lần cuối cùng trước khi sụp đổ thành một sao lùn trắng bé nhỏ.
Vì cùng khối lượng nên có thể R Doradus chính là hình ảnh hoàn hảo để chúng ta hình dung về Mặt Trời 5 tỉ năm tới, là mốc thời gian nó được dự đoán sẽ cạn năng lượng.
Khi đó, Mặt Trời cũng sẽ phình to và nuốt chửng 3 hành tinh gần nhất là Sao Thủy, Sao Kim và Trái Đất.
Giải thích về các bong bóng khổng lồ được tạo nên bởi R Doradus đang sục sôi, GS Vlemmings cho biết năng lượng trong lõi sao - được tạo nên bởi phản ứng tổng hợp hạt nhân - có thể được truyền về phía bề mặt của ngôi sao dưới dạng các bong bóng khí lớn, nóng, sau đó chúng sẽ nguội đi và chìm xuống.
Chuyển động trộn lẫn này, được gọi là sự đối lưu, phân phối các nguyên tố nặng hình thành trong lõi, chẳng hạn carbon và nitơ, khắp ngôi sao.
Người ta cũng cho rằng quá trình này tạo ra những cơn gió sao mang các nguyên tố này ra ngoài vũ trụ, từ đó tạo nên các ngôi sao và hành tinh mới.
Một số vật thể trong hệ Mặt Trời có quỹ đạo nghiêng ngả bất thường, thậm chí quay ngược. Các nhà khoa học vừa tìm ra lý do.
Nguồn: [Link nguồn]