Vật thể cách xa 19,5 tỉ năm ánh sáng "xuyên không" đến Trái Đất
Trong khoảnh khắc cực hiếm, vật thể cổ đại biến hình thành "vòng Einstein", xuất hiện trước người Trái Đất nhờ một vùng không - thời gian bị bẻ cong hỗn loạn.
Trong bức ảnh được chụp bởi kính viễn vọng không gian Hubble mà NASA vừa công bố, một cụm vật thể kỳ lạ bao gồm chấm sáng rực rỡ được bao bọc bởi một chiếc vòng màu đỏ được quan sát giữa chòm sao Kình Ngư.
Cụm này bao gồm một trong những vật thể xa xôi nhất từng hiện ra trước mắt nhân loại.
Cụm vật thể kỳ lạ giữa chòm sao Kình Ngư - Ảnh: NASA
Theo các nhà khoa học điều hành sứ mệnh Hubble, vật thể đáng lưu tâm nhất trong cụm hình ảnh kỳ lạ đó là một thiên hà cách xa Trái Đất đến 19,5 tỉ năm ánh sáng, mang tên HerS J020941.1+001557.
Lẽ ra Hubble không thể thấy được vật thể quá xa xôi này, nhưng nó đã tự "xuyên không" nhờ các "thấu kính hấp dẫn", chính là những vật thể vũ trụ tiền cảnh có lực hấp dẫn lớn, tạo thành một chiếc kính lúp treo lơ lửng giữa Hubble và vật thể cổ đại.
Không rõ tuổi của thiên hà này, nhưng nó cũng là một trong những vật thể từ bình minh vũ trụ. Nó từng ở gần Trái Đất hơn, nhưng đã "chạy xa" do vũ trụ liên tục giãn nở.
Trong bức hình của Hubble, ánh sáng từ vật thể này bị biến dạng thành hình lưỡi liềm, tạo thành một chiếc "vòng Einstein" hiếm gặp giữa trời.
Theo Sci-News, vòng Einstein xảy ra khi ánh sáng từ một vật thể ở rất xa bị bẻ cong về một vật thể trung gian có khối lượng lớn. Trong trường hợp này, đó là cả hai thiên hà còn lại trong hình ảnh kỳ lạ.
Đầu tiên đó là SDSS J020941.27+001558.4, một thiên hà cách chúng ta khoảng 2,7 tỉ năm ánh sáng, chính là chấm sáng lớn nhất trong cụm vật thể.
Trong khi đó, chấm sáng còn lại phía trên nó - dường như giao nhau với đường cong hình lưỡi liềm ánh sáng, là SDSS J020941.23+001600.7, một thiên hà gần hơn khác.
Hai thiên hà gần Trái Đất hơn này chính là "thấu kính hấp dẫn" được nhắc tới.
Thiên hà xa 19,5 tỉ năm ánh sáng rất có thể cũng mang hình dạng bình thường là một đĩa ánh sáng xoắn ốc như các thiên hà khác, nhưng ánh sáng từ nó đã bị biến đổi phức tạp khi đi qua vùng không - thời gian bị bẻ cong hỗn loạn bởi hai thiên hà tiền cảnh.
Tuy vậy, sự bẻ cong không - thời gian này cũng giúp ánh sáng "xuyên không" ngoạn mục. Thiên hà xa xôi được phóng to lên, ánh sáng đi "đường tắt" đến với kính viễn vọng của người Trái Đất.
Cuối cùng, một dự án khoa học cộng đồng với sự tham gia của nhiều thành viên công chúng - SPACE WARPS - đã giúp xác định cụm vật thể ngoạn mục này giữa kho dữ liệu khổng lồ của Hubble.
Trong bức ảnh NASA vừa công bố dịp năm mới, một cụm “pháo hoa“ đang bùng nổ giữa vệ tinh đồng thời là “kẻ tấn công tương lai“ của Ngân Hà: Đám mây Magellan Lớn.
Nguồn: [Link nguồn]