Úc đóng 1.025 trang web giả mạo hầu hết đặt ở Trung Quốc

Úc vừa phát hiện và đánh sập 1.025 trang web giả mạo chủ yếu đặt ở Trung Quốc. Những trang web này ra đời nhằm đánh cắp thông tin thẻ tín dụng người dùng.

Cơ quan quản lý tên miền auDA cho biết vụ việc xảy ra cách đây 2 tuần. Ngoài các trang web được lập ở Trung Quốc, còn có một số trang web đến từ Đông Âu, Bắc Mỹ và các khu vực miền Trung, Đông và Đông Nam Á. Tất cả đều mạo danh tên miền “.au” của những doanh nghiệp đang hoạt động hợp pháp tại Úc. Chúng bị đánh sập hôm 6-10.

Các trang web do bọn tội phạm sử dụng làm công cụ lừa đảo và đánh cắp thông tin thẻ tín dụng người dùng, liên quan tới nhiều loại hình kinh doanh nhưng đa số là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chủ tịch auDA Stuart Benjamin cho biết thông thường, loại hình lừa đảo này chỉ xảy ra với 1-2 trang web – sau đó sẽ bị đánh sập do vi phạm các điều khoản thương mại. Nhưng quy mô vụ lừa đảo mới được auDA phát hiện là chưa từng có tiền lệ.

Úc đóng 1.025 trang web giả mạo hầu hết đặt ở Trung Quốc - 1

Úc đóng 1.025 trang web lừa đảo hầu hết từ Trung Quốc. Ảnh: FINANCIAL REVIEW

Ông Benjamin cũng cho biết nhà chức trách Úc đang xác định danh tính các nghi phạm, đồng thời liên lạc với các đối tác nước ngoài để thu thập thêm thông tin phục vụ cuộc điều tra.

Cũng theo vị Chủ tịch của auDA, tội phạm mạng ở Đông Âu thời gian gần đây lợi dụng Trung Quốc như một nước trung gian để che đậy dấu vết. Nhiều trang web sử dụng ngôn ngữ, hình thức và cổng thanh toán ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Benjamin lưu ý chính phủ Trung Quốc không dính líu tới các vụ lừa đảo này.

Trong một diễn biến khác, cảnh sát TP Thane, phía Tây Ấn Độ đã bắt giữ hơn 750 nghi phạm lừa đảo công dân Mỹ thông qua một tổng đài giả mạo. Một số nghi phạm có tên trong danh sách trốn thuế của chính quyền Washington. Trung bình một ngày, băng nhóm lừa đảo nói trên thu được khoảng 150.000 USD. Đây là một trong những vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ.

Cảnh sát Thane cho biết họ đang yêu cầu Cục Đìều tra Liên bang Mỹ (FBI) trợ giúp. 70 trong số các nghi phạm đã nhận lệnh bắt chính thức, bao gồm 9 kẻ cầm đầu.

Cách thức bọn chúng sử dụng là giả làm thành viên Sở Thuế vụ Mỹ rồi nói với các nạn nhân rằng họ còn nợ thuế. Trong nhiều trường hợp, các nạn nhân phải bỏ tiền mua phiếu quà tặng từ một số công ty khác nhau cũng như tiết lộ số chứng minh cho những kẻ lừa đảo. 30% số tiền trong số 150.000 USD sẽ được trả cho mạng lưới cộng tác viên tại Mỹ.

Ủy viên cảnh sát TP Thane, Paramvir Singh, cho các phóng viên biết 851 đĩa cứng và thiết bị điện tử đã bị tịch thu. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo bộ này đã nhận được thông tin và đang xác định những công dân Mỹ nào có liên quan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Nghĩa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN