Uber và GrabBike đi ngược xu hướng... tăng giá xăng
Trong lúc giá xăng tăng liên tục khiến giá taxi truyền thống cũng rục rịch tăng theo thì các dịch vụ gọi xe taxi, xe ôm như Uber, GrabTaxi, GrabBike vẫn tung các tùy chọn giá rẻ hoặc giảm giá.
Uber, GrabTaxi, GrabBike là những cái tên mới nổi trong thời gian gần đây. Mặc dù có chính sách hoạt động khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là một ứng dụng miễn phí cho smartphone và là giải pháp giúp người dùng gọi xe taxi, xe ôm để di chuyển.
Một số ứng dụng hỗ trợ gọi xe taxi, xe ôm với giá tiết kiệm.
Trong đó, Uber là ứng dụng gây tranh cãi nhiều nhất vì nhiều vấn đề xoay quanh hình thức kinh doanh cũng như vấn đề đóng thuế. Thậm chí, rất nhiều thông tin bê bối liên quan tới tên tuổi Uber đã bị truyền thông quốc tế (Business Insider, Mashable,...) đăng tải, như tài xế hiếp dâm hành khách, tài khoản bị rò rỉ gây nguy hiểm cho thông tin thẻ tín dụng của người dùng,...
Mặc dù vậy, Uber cũng như GrabTaxi và GrabBike vẫn được xem là một lựa chọn tiện nghi, tiết kiệm cho người dùng tại Việt Nam. Đặc biệt trong hoàn cảnh giá xăng vừa tăng mạnh liên tục 2 lần trong năm 2015, từ 15.670 đồng (ngày 21.1) lên 17.280 đồng (ngày 11.3), và lên 19.230 đồng (ngày 5.5) khiến các hãng taxi truyền thống trong nước cũng rục rịt tăng giá theo.
Về cơ bản, GrabTaxi hoạt động dựa trên sự liên kết với các hãng taxi truyền thống trong nước như Vinasun, Mai Linh, Vinataxi,... nên cũng khó đứng ngoài việc bị ảnh hưởng bởi thông tin tăng giá xăng dầu. Mặc dù vậy, với chính sách ưu đãi thông qua các mã giảm giá trên mỗi chuyến thì đây vẫn là một giải pháp tiết kiệm.
Riêng Uber hoạt động hoàn toàn độc lập với các hãng taxi truyền thống trong nước. Theo đó, Uber liên kết với các hãng vận tải để xây dựng một hệ thống xe taxi riêng và tự kiểm soát giá cả. Trong thời gian qua, Uber cũng đã tăng giá nhiều lần đối với gói xe taxi UberBlack. Tuy nhiên, Uber cũng đồng thời giới thiệu thêm tùy chọn uberX giá rẻ (chưa tới 10.000 đồng/km).
Trong khi Uber tung tùy chọn xe giá rẻ, GrabBike khuyến mãi tiền theo từng chuyến thì GrabBike cũng tung gói xe ôm giá rẻ.
BrabBike lại khác, ứng dụng này không phải để đặt xe taxi mà là giúp người dùng đặt xe ôm với giá cả cụ thể. Giá cả được tính thông qua quãng đường di chuyển trên bản đồ tích hợp trong ứng dụng. Đặc thù này giúp việc đi xe ôm sẽ rõ ràng giá, không còn việc trả giá giữa người đi và người lái xe. Đồng thời, từng chuyến đi, tài xế xe ôm và hành khách cũng sẽ được GrabBike quản lý từ xa, giúp hạn chế những rủi ro không đáng có như với xe ôm vãng lai.
Về giá cả, GrabBike vừa tung gói 3.000 đồng/km cho người dùng gọi xe tại quận Cầu Giấy, Hà Nội từ ngày 15.5.2015. Trước đó, gói 3.000 đồng cũng đã được áp dụng tại TP.HCM từ ngày 9.3.2015. Theo GrabBike, người dùng đi dưới 3km vẫn phải trả 9.000 đồng. Và mỗi km tiếp theo từ sau 3km đầu tiên, sẽ tính là 3.000 đồng/km.
Mặc dù các ứng dụng trên khá hữu dụng cho người dùng, nhưng một thực tế hiện nay là lượng xe chưa thật sự nhiều. Do đó, đôi lúc người dùng không thể gọi được xe ở gần vị trí đang đứng. Nếu có, có thể sẽ phải chờ đợi khá lâu so với việc quắc một chiếc taxi chạy ngang.
Trong lúc giá xăng tăng, nếu người dùng biết tận dụng các gói cước gọi xe taxi, xe ôm giá rẻ hay lùng mã giảm giá của các ứng dụng gọi xe thì đó sẽ là một giải pháp tiết kiệm tạm thời.