Uber, Grab sắp phải công khai doanh thu và số lượng xe

Trước 30/10, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng trong đó có Uber, Grab sẽ phải cung cấp danh sách xe, tài xế và doanh thu cho cơ quan quản lý.

Uber, Grab sắp phải công khai doanh thu và số lượng xe - 1

Uber, Grab sắp phải công khai doanh thu và số lượng xe.

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp động báo cáo tình hình hoạt động và kết quả vận chuyển trong thời gian thực hiện thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo Sở GTVT Hà Nội, mục đích của việc báo cáo là để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và đánh giá hiệu quả công tác thí điểm.

Như vậy, các đơn vị tham gia thí điểm kinh doanh, trong đó có Uber và Grab sẽ phải báo cáo cụ thể danh sách phương tiện và lái xe, kết quả hoạt động kinh doanh, công tác đảm bảo an toàn giao thông tại từng đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.

Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, việc báo cáo phải hoàn tất trước 30/10.

Tính đến thời điểm này, chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, đề án thí điểm dành cho Uber, Grab sẽ kết thúc. Trong thời gian thí điểm đề án, ngoài tranh cãi với các hãng taxi truyền thống, lượng taxi công nghệ tăng trưởng quá nóng đồng thời cũng xuất hiện những bất cập khi các cơ quan quản lý khó quản lý được loại hình mới cũng khiến Grab gặp khó.

Thực tế cho thấy, số lượng xe tham gia vào mạng lưới chạy Uber, Grab đang phát triển nóng. Tại Việt Nam, dù chưa có một con số thống kê chi tiết nào về lượng xe tham gia Uber, Grab. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng phương tiện quá nhanh mà hệ thống của Grab, Uber đang sở hữu ở Hà Nội và TP.HCM đều đang khiến các địa phương này lo ngại.

Con số được nêu ra trong một cuộc họp của Bộ GTVT, hiện số phương tiện kinh doanh theo hợp đồng tại TP.HCM đã tăng lên khoảng 22.000 xe, gấp đôi lượng taxi truyền thống. Và con số này tại TP.Hà Nội là hơn 10.000 xe. Việc tăng trưởng quá nóng có thể dẫn đến tình trạng khó kiểm soát. Đây cũng là lý do các địa phương đều xin kết thúc sớm đề án đồng thời đưa ra các giải pháp để hạn chế lượng xe tham gia mới. 

Trước đó, trong một buổi gặp gỡ với lãnh đạo Tập đoàn Uber tại Hoa Kỳ hồi tháng 7, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thẳng thắn cho rằng việc phát triển hệ thống nhanh và không có kiểm soát đã phá vỡ quy hoạch taxi của Thành phố, gây ra việc xe tham gia giao thông tăng không được quản lý đầy đủ, ảnh hưởng trực tiếp đến hạ tầng giao thông và việc kiểm soát nghĩa vụ tài chính của các đối tác tham gia hoạt động và kinh doanh trong hệ thống của Uber tại Hà Nội.

Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Tập đoàn Uber hợp tác 3 nội dung cụ thể trong việc chia sẻ cơ sở dữ liệu để Thành phố có thể quản lý được số lượng đầu xe, các cá nhân tham gia trong mạng lưới; phối hợp chia sẻ dữ liệu để quản lý thuế thu nhập của các đối tác tham gia theo đúng quy định của pháp luật; cung cấp, cập nhật thông tin và thống nhất với Thành phố về kế hoạch phát triển của Uber để bảo đảm không phá vỡ quy hoạch giao thông cũng như hệ thống dịch vụ vận chuyển hành khách trên địa bàn Hà Nội.

5 tính năng ”độc” của Uber mà ai đi du lịch cũng phải ”nằm lòng”

Những tính năng này đang được Uber áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.V ([Tên nguồn])
Tranh cãi quanh taxi Uber Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN