Uber đã thay đổi thế giới ra sao?
Với việc áp dụng khoa học công nghệ, Uber đã tạo nên điểm nhấn quan trọng và là hình mẫu của nhiều startup trong nền kinh tế chia sẻ hiện nay.
Uber và mô hình kinh tế chia sẻ
Được xem là người tiên phong trong thị trường kinh tế chia sẻ, chỉ thông qua một ứng dụng di động với hệ thống quản lý áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ, Uber đã tạo nên một cộng đồng rộng lớn trên toàn thế giới. Hiện, Uber cũng đang cho thấy sự tăng trưởng không ngừng ở thị trường Việt Nam.
Từ ý tưởng ban đầu là ứng dụng kết nối người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ để tạo nên mô hình kinh tế "win - win - win", triết lý hoạt động của Uber đã nhanh chóng được hàng loạt dự án startup áp dụng ngay. Một minh chứng dễ thấy là trong cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2017, ban tổ chức ghi nhận tới 60% startup liên quan công nghệ, trong đó có nhiều dự án sáng tạo mang tính kết nối từ triết lý của Uber: BUTL (ứng dụng giúp người có ô tô tìm tài xế để lái thay), ShareCar (ứng dụng giúp kết nối các chủ xe ô tô và nhà quảng cáo),...
Uber đã tạo ra thị trường vận tải hành khách áp dụng khoa học công nghệ rất sôi động.
Quay lại Uber, sau 3 năm chính thức du nhập vào Việt Nam, dịch vụ này đã là cầu nối để các tài xế công nghệ đón đưa hơn 4 triệu người Việt Nam với hàng chục triệu chuyến đi được ghi nhận. Cũng tạm tính trong khoảng thời gian kể trên, những cuốc xe thông qua Uber đã chạy quãng đường dài tổng cộng hơn 322 triệu km, tương đương hơn 95.000 lần chiều dài của đất nước Việt Nam.
"Nóng" cuộc cạnh tranh Uber và Grab
Thực tế, Uber không độc tôn trên thị trường đặt xe. Sau sự thành công nhanh chóng của Uber, hàng loạt dịch vụ đặt xe tương tự cũng đã ra đời, như Grab, FaceCar, 123Xe,... hay các ứng dụng do hãng taxi Mai Linh, Vinasun tạo ra. Trong đó, Grab được xem là đối thủ nặng ký nhất của Uber khi mà họ ra đời sau nhưng lại vươn lên mạnh mẽ.
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, cuộc chiến giữa Uber và Grab ngày càng lộ rõ và trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Còn nhớ vào tháng 10 năm ngoái, Grab từng thẳng thừng gửi thông cáo báo chí tố Uber “cố tình lách luật, gây nhiều khó khăn cho chính phủ trong việc quản lý và thu thuế”. Tuy nhiên, Uber cho biết đã làm việc với các cơ quan chức năng và hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế theo tỷ lệ 3% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp (với phần doanh thu Uber được hưởng).
Uber và Grab là 2 đối thủ đang cạnh tranh rất khốc liệt tại Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, cách đây không lâu, các tài xế Uber đã tố ngược lại Grab vì cho rằng bị các tài xế Grab “mồi chài” chuyển sang hoạt động trên ứng dụng Grab. Về thông tin này, PV đã nhiều lần liên hệ với đại diện truyền thông của Grab tại Việt Nam để lấy thêm thông tin đa chiều, nhưng 2 tháng trôi qua vẫn chưa có câu trả lời.
Trong khi đó, tại buổi gặp gỡ giới tài xế Uber tại TP.HCM nhân kỷ niệm 3 năm có mặt tại Việt Nam, ông Đặng Việt Dũng - CEO Uber Việt Nam đã cho thấy một góc nhìn khác mang tính chia sẻ và đoàn kết hơn. “Chúng ta không xem các tài xế khác là kẻ thù. Chúng ta là một cộng đồng tài xế công nghệ”, ông Dũng nói và cho biết Uber không cấm tài xế tham gia cùng lúc các ứng dụng gọi xe khác nhau bởi thực tế trải nghiệm sẽ giúp tài xế chọn lựa được môi trường phù hợp với mình.
Cũng trong sự kiện này, Uber đã tuyên bố một số thay đổi lớn trên ứng dụng mà đặc biệt mang lại lợi ích cho giới tài xế. Theo đó, điểm quan trọng là giá cước Uber được điều chỉnh tăng để giúp các tài xế có thu nhập tốt hơn. Ngoài ra, điểm đánh giá bằng * của các tài xế sẽ không bị ảnh hưởng bởi những cuốc xe dưới 5*, trong trường hợp khách hàng không hài lòng về ứng dụng chứ không phải tài xế. Đối với các trường hợp khách làm bẩn xe hay khách để quên đồ, tài xế sẽ được hỗ trợ chi phí để rửa xe cũng như chi phí di chuyển gửi trả lại đồ cho khách.
Theo tìm hiểu của PV, chỉ xét trong phạm vi xe máy, hiện nay mức chiết khấu mà UberMOTO thu về từ tài xế là 25%, cao hơn so với mức 20% của GrabBike. Tuy nhiên, giới tài xế cho biết, việc Uber thu 25% doanh thu từ tài xế chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm". Sau khi thu 25% mỗi chuyến xe, Uber sẽ tính toán và trả lại cho tài xế vào mỗi cuối tuần, và theo tính toán thì chiết khấu khi đó sẽ chỉ còn 15%.
Có thể nói, sự ra đời của Uber đã làm thay đổi nhiều mặt của nền kinh tế chia sẻ nói chung và lĩnh vực vận tải hành khách nói riêng, kéo theo cả những cuộc chiến tất yếu phải xảy ra: Cuộc chiến Uber và Grab, cuộc chiến giữa tài xế công nghệ và xe ôm truyền thống. Song người dùng cuối sẽ chính là những người quyết định kết quả của cuộc chiến ấy.
Tổng Giám đốc Công nghệ toàn cầu của Uber đã tiết lộ cơ duyên đến với Uber, cách thức phát triển công ty và dành nhiều...