"Tuyệt chiêu" giả tin nhắn ngân hàng để lừa đảo

Hiện nay, cộng đồng mạng đang xôn xao thông tin về hiện tượng đối tượng lừa đảo “dùng liên hoàn kế” nhằm... “mua hàng không mất tiền”.

Thủ đoạn lừa khá tinh vi, đối tượng lừa đảo tham gia đặt hàng tại các trang web bán hàng của các công ty, cửa hàng. Bước tiếp theo, đối tượng liên lạc với cửa hàng rồi thông báo là mình đã chuyển tiền vào tài khoản của của hàng với đầy đủ mã đơn hàng, số tiền... Đồng thời, nhắn một tin giả dạng ngân hàng “thông báo tiền đã về” vào điện thoại của chủ tài khoản. Tin nhắn giả dạng này hiển thị từ tổng đài 19001534xx. Nếu không tinh ý, người bán hàng sẽ nhầm tưởng ngân hàng báo tiền chuyển khoản đã về và thực hiện chuyển hàng cho đối tượng. Khi đó sẽ mắc bẫy ngay.

Theo tường thuật của anh Trần Văn Trọng, người bán hàng cho một công ty bán lẻ máy tính tại Thái Hà, cho biết, ngày 22/7/2014, anh nhận được e-mail đặt mua hàng từ một khách hàng tên Phan Phú Quý, có số điện thoại là 09423746xx. Địa chỉ tại: 38x Khu đô thị An Huy, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh. Mã số đơn đặt hàng #100000251. Nhưng do loại sản phẩm khách đặt đã hết, anh Trọng gọi lại để báo khách nhưng máy không liên lạc được.

"Tuyệt chiêu" giả tin nhắn ngân hàng để lừa đảo - 1

Đơn hàng "lừa đảo" đặt qua hệ thống của công ty.

Anh Trọng chia sẻ tiếp: "Ngày 24/7, tôi nhận được 1 tin nhắn vào điện thoại của tôi với nội dung là đã thanh toán tiền cho số đơn đặt hàng như trên, và lại có cả phí chuyển hàng. Đồng thời số điện thoại của chủ tài khoản ngân hàng cũng nhận được 1 tin nhắn với nội dung là đã có tiền trong tài khoản - giống nội dung của ngân hàng gửi khi báo tài khoản tăng".

"Tuyệt chiêu" giả tin nhắn ngân hàng để lừa đảo - 2

Tin nhắn giả dạng ngân hàng báo "tiền về" bằng tổng đài nhắn tin 190015xx.

Anh chia sẻ thêm: “Tôi thấy lạ vì khách mới làm việc lần đầu thì tại sao lại biết cả tiền phí chuyển hàng. Tôi có gọi lại 5 - 6 cuộc nhưng vẫn không nhấc máy mà họ chỉ nhắn tin. Sau đó tôi báo với khách là sản phẩm khách hàng chọn đã hết hàng, và đề nghị chuyển model khác, khách đồng ý và bảo chọn cho model nào cũng được tầm giá nhỏ hơn 10 triệu. Tôi đã chọn cho khách và làm các thủ tục chuyển hàng”.

"Tuyệt chiêu" giả tin nhắn ngân hàng để lừa đảo - 3

Thông báo đã chuyển khoản của "đối tượng".

Anh Trọng đã kịp nghi ngờ: “Sau khi làm xong đơn hàng và mang hàng ra bến xe để chuyển, tôi kiểm tra lại tài khoản ngân hàng mà khách báo đã gửi tiền. Tôi thấy giật mình vì số dư trong tài khoản không có sự thay đổi. Tôi xem lại tin nhắn báo nổi tiền thì ra là đầu số của tổng đài 190015xx”.

Phát hiện ra những bất thường, anh Trọng đã gọi cho người giao hàng dừng ngay việc chuyển hàng. Cũng may mắn là hàng còn kịp dừng chuyển tại bến xe. Nếu không rất có thể số hàng này đã rơi vào tay kẻ lừa đảo.

Để lần nữa xác định lại sự thật, anh Trọng tiếp tục gọi nhưng “người đặt hàng” đã không nghe máy.

Cùng trong thời điểm, Cửa hàng Thái Dương (TP HCM) cũng đưa lên Facebook nội dung bị lừa đảo tương tự. Địa chỉ nhận hàng cũng ở Bắc Ninh và đầu số giả mạo tin nhắn của ngân hàng cũng ghi là từ đầu số 190015xx . Rất may, chủ cửa hàng đã tỉnh táo không gửi hàng cho đối tượng lừa đảo.

Anh Thái Dương, chủ cửa hàng Thái Dương chia sẻ: “Từ khi bán hàng, cũng có nhiều đối tượng có kiểu lừa tương tự như vậy, gần đây nhất đối tượng dùng đến tổng đài để khiến người bán tưởng nhầm ngân hàng báo tiền tăng, nhưng chỉ cần tinh ý một chút chúng tôi có thể phát hiện dấu hiệu đáng ngờ”.

Anh Dương cho biết: “Đối tượng lừa đảo hiểu tâm lý của những người bán hàng. Người bán hàng luôn muốn tạo thuận lợi cho khách hàng, và do công việc bán hàng bận rộn, nhiều khi chỗ chuyển hàng ở xa nên nếu có bị mất hàng, người bán hàng cũng không muốn đi thưa kiện sợ mất việc, mất thời gian”. Bên cạnh đó, việc dùng số tổng đài hiển thị trên tin nhắn cũng đánh vào tâm lý nhầm tưởng tổng đài của ngân hàng, để nạn nhân dễ bị lừa hơn.

Qua tìm hiểu, một số tổng đài nhắn tin và tổng đài thoại được các đơn vị ký hợp đồng cho các tổ chức cá nhân kinh doanh nội dung khác thuê lại. Chỉ cần tìm kiếm trên Google cụm từ “Cho thuê đầu số chia sẻ 93%” chúng ta có thể thấy rất nhiều tin rao vặt kiểu này.

Do việc cho cá nhân, tổ chức thuê lại đầu số dễ dàng, nên “đối tác” đẩy tin nhắn với nội dung gì cũng không được đơn vị sở hữu đầu số kiểm soát kỹ càng. Đó cũng là hệ quả tất yếu của những tin nhắn lừa đảo âm nhạc, lừa đảo click vào đường link mã độc trừ tiền tài khoản điện thoại, spam tin nhắn rác,...

Mặt khác, những nạn nhân cũng thắc mắc tại sao đối tượng lừa đảo lại có thể biết số điện thoại của chủ tài khoản để nhắn tin báo “tiền đã về”?

Do đó, để giảm bớt tình trạng lừa đảo kiểu dựa vào “sự nhầm lẫn” về tổng đài nhắn tin và tổng đài thoại, không cách nào khác ngoài việc kiểm tra có hay không việc sử dụng tổng đài để lừa đảo. Đồng thời, cần phải có cơ chế quản lý các tổng đài nhắn tin, tổng đài thoại nếu có hiện tượng cho thuê bừa bãi mất kiểm soát. Việc này cũng đồng thời giảm bớt hiện tượng spam tin nhắn và phát tán mã độc qua đầu số gây bức xúc thời gian vừa qua.

* Tiêu đề bài viết đã được sửa lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN