“Tức nước vỡ bờ”, Tim Cook kêu gọi Bloomberg thu hồi bài báo chip gián điệp Trung Quốc
“Tôi cảm thấy họ nên rút lại bài báo của mình. Không có sự thật nào trong đó về Apple. Họ cần phải làm điều đúng đắn”.
Trong cuộc phỏng vấn với BuzzFeed News, CEO Tim Cook bác bỏ Apple là nạn nhân của cuộc tấn công cài chip gián điệp của chính phủ Trung Quốc. Đồng thời, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, ông kêu gọi Bloomberg rút lại bài báo.
Đầu tháng này, Bloomberg Business xuất bản bài báo là kết quả của cuộc điều tra kéo dài, tố cáo gián điệp Trung Quốc đã xâm phạm khoảng 30 công ty Mỹ bằng cách cấy mã độc vào máy chủ trong quá trình sản xuất tại Trung Quốc. Theo Bloomberg, những con chip cho phép kẻ tấn công tạo ra cửa hậu dẫn đến bất kỳ mạng nào chạy trên máy chủ bị ảnh hưởng. Apple được xem là một trong các nạn nhân. Bloomberg viết Apple đã tìm thấy một vài phần cứng bị phá hoại năm 2015 nên cắt đứt quan hệ với hãng sản xuất Supermicro và báo cáo sự việc cho FBI.
Tuy nhiên, Apple luôn duy trì quan điểm không có chi tiết nào là đúng sự thật, trong cả phản hồi với Bloomberg, phát ngôn chính thức cho đến lá thư gửi Quốc hội. Trong khi đó, Bloomberg cũng không hề nao núng khi còn đăng tải thêm bài viết tiếp theo củng cố các luận điểm của bài viết ban đầu.
Kết quả là sự bế tắc giữa một trong những tập đoàn quyền lực nhất thế giới với một hãng tin có độ tín nhiệm cao.
CEO Apple Tim Cook liên tục bác bỏ công ty bị cài chip gián điệp Trung Quốc.
Tối ngày 18/10, CEO Tim Cook đẩy xung đột lên cao hơn sau khi đồng ý trả lời phỏng vấn của BuzzFeed News. Ông nói qua điện thoại: “Không có sự thật nào trong câu chuyện của họ về Apple. Họ cần phải làm điều đúng đắn và rút lại bài báo”.
Đây là tuyên bố phi thường từ Cook và Apple. Từ trước đến nay, công ty chưa bao giờ công khai kêu gọi thu hồi một bài báo nào cả, kể cả khi nó có nhiều sai sót quan trọng hay hoàn toàn là do “tự sáng tác”.
Đáp trả, Bloomberg nhắc lại tuyên bố trước đó: “Cuộc điều tra của Bloomberg Businessweek là kết quả của hơn 1 năm làm việc, trong đó chúng tôi thực hiện hơn 100 cuộc phỏng vấn. 17 nguồn tin cá nhân, bao gồm cả quan chức chính phủ và người bên trong các công ty, xác nhận có sự can thiệp vào phần cứng và các yếu tố khác của cuộc tấn công. Chúng tôi cũng đăng tải phát ngôn đầy đủ của 3 công ty cũng như phát ngôn từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Chúng tôi tin vào câu chuyện của mình và tự tin vào công việc cũng như nguồn tin của mình”.
Bloomberg không trả lời câu hỏi về các bằng chứng hỗ trợ lời cáo buộc của mình hay sự nghi ngờ của chính nguồn tin có tên trong bài báo.
Dù bất thường, những bình luận của Tim Cook nhấn mạnh sự tham gia của ông trong các phản hồi từ Apple và sự thất vọng khi lời bác bỏ của công ty bị Bloomberg phớt lờ.
“Tôi tham gia vào các phản hồi trước bài báo này ngay từ đầu. Cá nhân tôi đã nói chuyện với các phóng viên Bloomberg cùng với Bruce Sewell, cựu Giám đốc pháp lý của chúng tôi. Chúng tôi làm rõ với họ là điều này không xảy ra và trả lời mọi câu hỏi của họ. Mỗi lần họ đưa nó ra, câu chuyện lại thay đổi và mỗi lần điều tra, chúng tôi đều không phát hiện gì cả”.
Ngoài ra, Tim Cook còn nhắc đến sự thiếu hụt bằng chứng mà Bloomberg cung cấp để bổ trợ cho các tuyên bố của mình. Ông cho biết phóng viên chưa bao giờ đưa ra bất kì chi tiết cụ thể nào về con chip độc hại mà họ được cho là đã phát hiện và gỡ bỏ. Ông cho rằng các cáo buộc được hình thành từ các “báo cáo cũ, mơ hồ”.
“Chúng tôi đã lục tung cả công ty. Tìm kiếm email, hồ sơ trung tâm dữ liệu, hồ sơ tài chính, hồ sơ giao hàng. Chúng tôi thực sự đào bới rất sâu và mỗi lần đều quay lại kết luận ban đầu: Điều đó không xảy ra. Không có gì đúng cả”. Khi được hỏi về kịch bản liệu sự cố nêu trong bài báo Bloomberg xảy ra mà ông không hề hay biết, Tim Cook đáp lại: “Khả năng này gần như bằng không”.
Bình luận của người đứng đầu Apple tiếp tục làm gia tăng căng thẳng về thuyết âm mưu xoay quanh bài báo của Bloomberg, hiện đang trở thành tâm điểm tranh luận giữa các chuyên gia bảo mật và nhà báo. Nó sẽ gây chấn động ngành an ninh mạng toàn cầu nếu chính xác. Nó lại được đăng tải bởi một trong những hãng tin được kính trọng nhất thế giới, luôn có những nguồn tin chính phủ cao cấp. Song, Bộ An ninh nội địa Mỹ, Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh, Cố vấn cao cấp về chiến lược an ninh mạng Rob Joyce của NSA, cựu Giám đốc pháp lý FBI James Baker và Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats tất cả đều nói họ không có lý do gì để nghi ngờ lời phủ nhận của các công ty có tên trong bài báo hay họ chưa từng nhìn thấy bằng chứng hỗ trợ cáo buộc của Bloomberg. Thậm chí, một số nguồn tin trong bài viết còn đặt câu hỏi về nó.
Một quan chức an ninh quốc gia cao cấp trả lời BuzzFeed News rằng câu chuyện của Bloomberg có thể đúng nhưng nhấn mạnh ông không biết gì về cuộc điều tra mà Bloomberg thực hiện. Ông nói chính phủ Mỹ đang nỗ lực phát hiện các thiết bị gián điệp như loại mà Bloomberg mô tả. Trong khi đó, các hãng tin khác không thể phát triển hay thậm chí bắt kịp với bài báo của Bloomberg.
Như vậy, dường như để giải quyết những bí ẩn xoay quanh quan trọng, Bloomberg cần phải cởi mở hoặc bị cởi mở. Chuyển từ tranh cãi trước công chúng sang tranh chấp trên tòa án là thứ mà không một công ty nào có tên trong bài viết muốn làm.
Cựu kỹ sư Ken Kocienda của Apple vừa xuất bản cuốn sách có tên "Creative Selections" nói về việc ông và Steve Jobs đã...