Từ "trend" ghép mặt vào video: Làm sao để không tự biến mình thành nạn nhân của deepfake?
Bên cạnh việc bạn có thể "biến hình" thành người nổi tiếng hoặc có phong cách độc đáo, thân hình người mẫu chỉ trong ít phút thì những ứng dụng ghép khuôn mặt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dùng như rò rỉ thông tin cá nhân, mất tiền oan uổng...
Những mặt trái khi dùng các ứng dụng ghép mặt vào video
Các ứng dụng ghép mặt vào video đang "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội trở nên tiện dụng hơn bao giờ hết khi bạn chỉ cần chụp 1 tấm ảnh selfie thôi thì chúng cũng tối ưu thành một đoạn video với đủ các góc mặt.
Tuy nhiên, các ứng dụng thường sẽ yêu cầu quyền thu thập thông tin dữ liệu khuôn mặt của bạn. Một số công ty cung cấp ứng dụng thì khẳng định chỉ sử dụng dữ liệu để cải thiện ứng dụng và xoá trong một thời gian nhất định, nhưng dù gì cũng là một rủi ro bảo mật.
Bên cạnh đó, một số ứng dụng yêu cầu khá nhiều quyền hạn dường như không cần thiết đối với một ứng dụng xử lý video, bao gồm quyền xác định vị trí của người dùng, thông tin liên lạc (email, số điện thoại…), lịch sử giao dịch… Việc thu thập nhiều dữ liệu cá nhân có thể khiến người dùng đối mặt với nguy cơ bị "đánh cắp" thông tin cá nhân khi dùng ứng dụng.
Một số ứng dụng ban đầu sẽ miễn phí cho vài video hoặc vài ngày đầu sử dụng, bạn muốn dùng tiếp phải đóng phí hoặc xem quảng cáo. Có ứng dụng sẽ yêu cầu nhiều quyền hơn cần thiết, bạn cần đủ tỉnh táo để cấp những quyền cần thiết để ứng dụng hoạt động.
Ví dụ như ứng dụng FacePlay thời gian gần đây bị nhiều người dùng phàn nàn về cái giá khá cao cần chi trả cho việc sử dụng. Cụ thể, FacePlay có mức giá 57K/ tuần sử dụng, hoặc 689K triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi hiển thị mức giá phiên bản Premium của ứng dụng, FacePlay lại rút ngắn đi 2 số "0" trong mức giá tiền, làm cho nhiều người lầm tưởng rằng ứng dụng chỉ có giá 570 đồng/ tuần hoặc 6890 đồng/ năm, mức giá chỉ bằng 1% so với mức giá thực tế mà họ phải trả, khiến nhiều người sẵn sàng chi tiền để mua ứng dụng, mà không để ý rằng họ sẽ trả số tiền cao hơn gấp... 100 lần mức giá đã hiển thị.
Ngoài ra, sau khi hết 3 ngày dùng thử, nếu người dùng không gỡ bỏ ứng dụng ra khỏi thiết bị, FacePlay sẽ tự động đăng ký mua phiên bản chuyên nghiệp của app với hạn sử dụng trong một tuần mà không cần hỏi ý kiến của người dùng. Do vậy nếu không chú ý, người dùng sẽ bị mất tiền oan bởi tính năng này.
Nguy cơ bị ghép mặt vào clip "đen" nhờ công nghệ deepfake
Các ứng dụng ghép mặt hầu hết đều dựa vào trí tuệ nhân tạo Deepfake để phân tích, tổng hợp hình ảnh của bạn sau đó ghép chồng lên các kho ảnh/ video có sẵn trong ứng dụng để tạo ra bức ảnh hoặc video chân thực nhất.
Deepfake là công nghệ được tạo nên từ trí tuệ nhân tạo.
Hay deepfake được hiểu một cách đơn giản là cơ chế sử dụng trí tuệ nhân tạo để học hỏi hình dạng, thói quen… của ai đó nhằm giả mạo danh tính của họ. Với deepfake, chúng ta có thể bị tung clip giả mạo, bị giả giọng nói, thậm chí là bị giả danh tính.
Theo TSI, tháng 9/2020, Deeptrace - một công ty có trụ sở tại Amsterdam chuyên phát hiện và theo dõi các cuộc tấn công sâu trên mạng báo cáo 96% những vụ lừa đảo trên mạng Internet là nội dung khiêu dâm giả mạo. Công nghệ deepfake không chỉ đem lại niềm vui, nụ cười trên mạng xã hội, mà đã trở thành công cụ hạ bệ, xâm hại nhân phẩm.
Hãy tưởng tượng viễn cảnh xa hơn, khi deepfake đủ sức tạo ra những tổ chức lừa đảo có đủ khả năng truy cập vào mọi chiếc điện thoại có chức năng nhận diện khuôn mặt, đột nhập vào những ngôi nhà tự động, giả được giọng nói để truy cập vào mọi thiết bị và tài khoản. Chúng ta có thể bị tước đoạt mọi thứ: Tài sản, danh tính, sự riêng tư… bởi những kẻ giấu mặt trên Internet.
Làm sao để không tự biến mình thành nạn nhân của Deepfake?
Thời điểm hiện tại, các ứng dụng ghép mặt vào video vẫn xuất hiện trên AppStore/ CH Play và chưa có cảnh báo chính thức về việc thu thập thông tin cá nhân của các ứng dụng này. Tốt hơn hết, người dùng nên cảnh giác để tránh rơi vào những rắc rối không mong muốn.
Người dùng nên cảnh giác với những ứng dụng thu thập dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể chống lại những nguy cơ bị giả mạo bằng các cách như:
- Dán camera điện thoại, laptop bằng băng dính đen khi không sử dụng.
- Hạn chế sử dụng những ứng dụng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo tính bảo mật thông tin.
- Vô hiệu hóa điện thoại ngay khi bị mất.
- Lưu trữ đầy đủ thông tin quan trọng để làm bằng chứng cho bản thân.
- Hạn chế sử dụng VPN (mạng riêng ảo) vì bạn có thể bị lộ thông tin hoặc không có tên trong hệ thống chính quy khi truy vết.
Đừng quên rằng, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân của những kẻ mạo danh trên mạng.
Nguồn: [Link nguồn]
Deepfake là công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh, âm thanh hoặc bản ghi âm giọng nói giống như của...