Từ MWC 2023, Việt Nam sắp có nhà máy thông minh đầu tiên dùng mạng 5G
Đây sẽ là nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hóa dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ thấp, hỗ trợ nhiều kết nối.
Tại Barcelona (Tây Ban Nha), trong ngày làm việc thứ 2 tại Hội nghị Di động Thế giới (MWC) 2023, Viettel Networks và Pegatron đã ký biên bản ghi nhớ về việc đồng hành phát triển dịch vụ mạng di động 5G dành riêng (5G Private Network) tại Việt Nam.
Biên bản ghi nhớ được ký kết tại MWC 2023 bởi Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty Pegatron. Nội dung chủ yếu xoay quanh việc phối hợp thúc đẩy, phát triển dịch vụ 5G Private Network tại Việt Nam, đặc biệt trong môi trường doanh nghiệp.
Ảnh đồ họa nhà máy Pegatron đang xây dựng tại Hải Phòng.
Theo đó, hai bên phối hợp thử nghiệm dịch vụ 5G Private Network cho toàn bộ dây chuyền sản xuất của nhà máy Pegatron tại TP.Hải Phòng với quy mô 4.500m2. Được biết, sẽ có 12 nhóm ứng dụng được triển khai, trong đó có thực tế ảo/thực tế tăng cường (AR/VR), bộ quét mã, bộ xử lý dữ liệu, hệ thống test sản phẩm, ứng dụng Dynamics 365 live streaming,…
Đây sẽ là nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hóa dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ thấp, hỗ trợ nhiều kết nối.
Từ kết quả thử nghiệm, Viettel Networks và Pegatron sẽ hoàn thiện bộ sản phẩm cho dịch vụ 5G Private Network cho nhà máy thông minh, gồm cả thiết bị mạng và các ứng dụng liên quan. Đồng thời, hai bên sẽ hợp tác cùng phát triển 5G cả về công nghệ, thiết bị đầu cuối, nghiên cứu sản xuất với mục tiêu thúc đẩy quá trình phổ cập 5G tại Việt Nam.
“Viettel đã làm chủ những công nghệ lõi của 5G, và sẽ luôn thúc đẩy ứng dụng công nghệ phục vụ tốt hơn cuộc sống. Đặc tính kỹ thuật của công nghệ 5G tạo nên ưu thế vượt trội trong môi trường công nghiệp. Điều đó mở ra không gian phát triển mới cho viễn thông khi kết nối vạn vật chứ không chỉ kết nối con người”, ông Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.
5G Private Network là giải pháp sử dụng sóng viễn thông công nghệ 5G cung cấp đa dạng dịch vụ kết nối trong phạm vi tổ chức, doanh nghiệp. Bên cạnh các dịch vụ truyền thống (như thoại, tin nhắn, truyền dữ liệu,…), công nghệ 5G có khả năng đáp ứng các yêu cầu của các dịch vụ mới như: thực tế ảo/thực tế tăng cường (AR/VR), camera AI, cảm biến, các dịch vụ kết nối IoT/M2M... Vì vậy, 5G Private Network sẽ thay thế mạng 4G Private Network, Wi-Fi, LAN với ưu điểm vượt trội: Bảo mật cao, băng thông rộng, độ trễ thấp, hỗ trợ nhiều kết nối, tính linh động.
Hiện tại, Viettel là 1 trong 6 nhà mạng trên thế giới vừa cung cấp dịch vụ viễn thông, vừa sản xuất thiết bị hạ tầng mạng. Viettel cũng kinh doanh thử nghiệm thành công 5G cho khách hàng cá nhân tại Việt Nam từ năm 2020. Dịch vụ 5G Private Network hướng tới khách hàng doanh nghiệp giúp hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ, mở ra kỷ nguyên mới với hàng loạt ứng dụng công nghệ sử dụng 5G trong tương lai gần.
Trong khi đó, Pegatron là công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất thiết bị điện tử và viễn thông đến từ Đài Loan, quy mô nhân sự 150.000 người, doanh thu năm 2022 đạt 44,3 tỉ USD. Sản phẩm chính thuộc các lĩnh vực máy tính, thiết bị mạng, thiết bị smart home, thiết bị đầu cuối 5G, 5G ORAN,... Tại Việt Nam, Pegatron có một nhà máy đang hoạt động ở Khu công nghiệp VSIP (Hải Phòng). Nhà máy thứ hai đang được xây dựng tại Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) với quy mô đầu tư lên tới 1 tỷ USD.
Nguồn: [Link nguồn]
Đây là bước đột phá, mở ra cơ hội thay đổi ngành công nghiệp sản xuất thiết bị hạ tầng mạng viễn thông.