Trung Quốc tham vọng với tàu vũ trụ lớn như trong phim viễn tưởng
Trung Quốc có kế hoạch triển khai một trong những dự án vũ trụ tham vọng nhất trong lịch sử loài người. Đó là kế hoạch chế tạo con tàu du hành vũ trụ dài cả kilomet, gấp ít nhất 10 lần Trạm vũ trụ quốc tế, Global Times đưa tin.
Phác họa của một nghệ sĩ về hình dáng con tàu vũ trụ khổng lồ của Trung Quốc trong tương lai
Các chuyên gia nói rằng kế hoạch này sẽ gặp phải nhiều trở ngại về kỹ thuật và quản lý, nhưng một tàu vũ trụ kích thước lớn như vậy có thể có nhiều ứng dụng, như tạo ra một nhà máy điện vũ trụ để sản sinh ra nguồn điện phục vụ một hành tinh.
Trung Quốc đang nghiên cứu dự án này như một phần của kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (từ năm 2021-2025). Công trình được kỳ vọng sẽ trở thành cỗ máy chiến lược lớn để tận dụng các nguồn lực vũ trụ, khám phá sâu hơn vào vũ trụ và giúp con người ở lại lâu hơn trong vũ trụ.
Thông tin này ngay lập tức khiến cư dân mạng Trung Quốc xôn xao, nhất là trong giới yêu thích khoa học. Một số cư dân mạng so sánh nó với những “tàu du hành giữa các vì sao” trong các bộ phim như Deep Space Nine (Trạm vũ trụ hư cấu).
Tuy nhiên, các chuyên gia vũ trụ nói rằng sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức để có thể chế tạo cỗ máy khổng lồ và phức tạp này, ngoài vấn đề đòi hỏi rất nhiều nguồn lực và nhân lực.
“Lấy Trạm vũ trụ quốc tế ISS làm ví dụ. Do hạn chế về lực đẩy của các tên lửa phóng nên trạm này được tách ra từng phần rồi đưa lên nhiều lần để lắp ráp trong quỹ đạo. Phải mất đến 12 năm, từ 1998-2010, để hoàn tất việc xây dựng. Khi hoàn thành thì mô-đun đầu tiên được đưa lên đã gần hết tuổi đời”, Pang Zhihao, một chuyên gia về vũ trụ tại Bắc Kinh và là nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc, nói với Global Times.
“Có thể dự đoán rằng con tàu vũ trụ dài cả kilomet sẽ tốn nhiều thời gian hơn, phải có tuổi đời dài hơn và có thể thay thể các bộ phận một cách linh hoạt”, ông Pang nói.
Theo chuyên gia này, nhiều nhà nghiên cứu sẽ được giao nhiệm vụ giảm trọng lượng của các mô-đun và số lần phóng nhằm giảm chi phí. Họ cũng phải đảm bảo khả năng kiểm soát của cấu trúc tổng thể, để hạn chế độ lệch, biến dạng và rung lắc trong quá trình lắp ráp trong quỹ đạo.
Ông Pang nói rằng sự phức tạp đó không chỉ là các vấn đề kỹ thuật mà còn là việc hoạch định tổng thể và quản lý dự án. Họ cũng phải tính đến mối đe doạ từ rác vũ trụ.
Nhưng dù việc chế tạo và lắp ráp gặp trở ngại, các chuyên gia nói rằng con tàu này sẽ có rất nhiều tiềm năng khoa học và quân sự.
Một ví dụ là nó có thể được sử dụng để chế tạo một trạm điện vũ trụ, tạo ra điện quy mô lớn trong mọi điều kiện thời tiết bằng cách chuyển năng lượng mặt trời thành điện rồi truyền xuống Trái đất.
Trung Quốc đã đạt được nhiều đột phá trong phát triển tên lửa siêu đẩy, có thể đưa vật thể trọng lượng lớn lên vũ trụ. Nước này vừa hoàn thành đáy bồn tên lửa rộng 9,5m và động cơ cơ tăng áp suất lỏng vào đầu tháng này.
Phương tiện phóng có thể là tên lửa Trường Chinh 9, loại sẽ được dùng cho các sứ mệnh lên Mặt trăng, vào vũ trụ sâu hơn và lắp ráp các cấu trúc vũ trụ trong tương lai, Wang Ya’nan, tổng biên tập của tạp chí Kiến thức vũ trụ nói với Global Times.
Trong nỗ lực đưa NASA trở lại vị trí dẫn đầu, ông Mike Pence khi còn là phó tổng thống Mỹ đã tìm cách khôi phục lại cuộc đua vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ đánh bại Liên Xô trong cuộc đua lên Mặt trăng.
Nhưng lần này, nỗ lực đó không phải để cạnh tranh với Liên Xô mà là Trung Quốc, và ông Pence cảnh báo Bắc Kinh đang cố “chiếm thế thượng phong chiến lược trên Mặt trăng”.
Bill Nelson, giám đốc điều hành mới của NASA, tiếp tục quan điểm đó, gọi Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh rất hung hăng”, có tham vọng lớn trong vũ trụ và đang thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ. “Hãy coi chừng Trung Quốc”, ông Nelson cảnh báo gần đây.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều người nghĩ bầu trời cao rộng, máy bay lại tự do bay như chim ngại gì va chạm. Nhưng thực tế không phải vậy, và...