Trung Quốc siết quy định thanh toán điện tử nhằm giảm tệ nạn đánh bạc
Quy định mới phân biệt rõ hai loại mã thanh toán được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra để kiểm soát hoạt động đánh bạc xuyên biên giới và chuyển tiền trái phép.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã ra một số quy định mới quản lý lĩnh vực thanh toán trị giá hàng nghìn tỷ USD của quốc gia này, với mục đích cải thiện khả năng kiểm soát rủi ro và và trấn áp tội phạm đánh bạc xuyên biên giới, vốn lợi dụng mã vạch thanh toán để chuyển tiền.
Nếu được thi hành nghiêm ngặt, các quy định mới được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến toàn bộ ngành dịch vụ thanh toán, đặc biệt là các ứng dụng hàng đầu như Alipay (Ant Group) và WeChat Pay (Tencent). Hai nền tảng này chiếm hơn 90% thị phần thanh toán trên điện thoại không qua ngân hàng trong năm 2020, theo công ty tư vấn iResearch.
Một quy định then chốt có liên quan đến mã vạch thanh toán và sự phân biệt giữa mã cá nhân và mã doanh nghiệp. Alipay và WeChat Pay đều có tính năng tạo mã vạch thanh toán và việc chuyển tiền có thể được thực hiện chỉ bằng cách quét mã vạch này. Mã cá nhân có thể được dùng để chuyển tiền mà không cần giao dịch phức tạp, thuận tiện cho việc chuyển tiền giữa người thân hay bạn bè.
Nhưng nhiều chủ cửa hàng tạp hóa hay cửa hàng buôn bán nhỏ cũng dùng mã cá nhân để nhận tiền từ khách hàng thay vì mã doanh nghiệp. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/3/2022 sẽ yêu cầu các nền tảng thanh toán tách riêng những người dùng mã cá nhân cho mục đích kinh doanh và bắt họ chuyển sang dùng mã doanh nghiệp cho hoạt động kinh doanh.
Trong phần hỏi đáp đi kèm, PBOC nói rằng quy định này nhắm đến việc xử lý rủi ro tiềm tàng khi một doanh nghiệp sử dụng nhiều mã vạch cá nhân để chuyển tiền trong nhiều hoạt động sản xuất, vận hành và tiêu thụ - điều có thể ảnh hưởng đến khả năng giám sát rủi ro của nền tảng thanh toán.
Trên các nền tảng này, mã cá nhân và mã doanh nghiệp lần lượt thuộc về tài khoản cá nhân và tài khoản doanh nghiệp, và do đó có yêu cầu kiểm soát rủi ro như hạn mức chuyển tiền hàng ngày khác nhau.
Một nguồn tin gần với PBOC cho biết: “Nếu nhà cung cấp dịch vụ không phân biệt rõ các loại tài khoản, họ cũng sẽ không làm tốt việc giám sát rủi ro. Ví dụ, một cửa hàng nhỏ bán đồ ăn sáng hay rau củ khó có thể tạo ra lượng giao dịch trị giá 100.000 NDT (15.642 USD) một ngày, do đó các nền tảng thanh toán phải nhận thức rõ được đặc điểm của một tài khoản khi mở tài khoản mới”.
Trong khi đó, theo PBOC, một số cá nhân tội phạm đã hứa hẹn lợi nhuận cao nhằm thu hút nhiều người cho phép kẻ đánh bạc sử dụng mã thanh toán cá nhân của họ để chuyển tiền. Điều này cho phép hoạt động đánh bạc xuyên biên giới diễn ra và làm nhà chức trách khó theo dõi dòng tiền hơn.
Hoạt động đánh bạc xuyên biên giới là một trong những mục tiêu của quy định mới. Minh họa: Câu Kiện Sơn/Tân Hoa Xã.
Hoạt động đánh bạc xuyên biên giới tại Trung Quốc đang càng ngày càng sử dụng nhiều hơn các ứng dụng thanh toán trên điện thoại. Đối với một số người đang quá cần tiền, khả năng kiếm được 500-1000 NDT từ việc cho mượn mã thanh toán cá nhân của mình có sức cám dỗ rất lớn, đặc biệt khi lượng tiền được chuyển qua mã thanh toán càng nhiều thì họ cũng kiếm được nhiều tiền hơn.
Bên cạnh việc phân biệt rõ hai loại mã vạch, quy định mới còn cấm dùng mã vạch thanh toán cá nhân tĩnh cho việc thanh toán từ xa không gặp mặt trực tiếp, trừ trường hợp thực sự cần thiết có trong danh sách ngoại lệ. Lệnh cấm này có mục tiêu ngăn ngừa người dùng bán, cho thuê hoặc vay mượn mã thanh toán để dùng làm kênh thanh toán cho hoạt động đánh bạc.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng quy định mới sẽ giáng một đòn nặng vào những cá nhân và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán có liên quan đến hoạt động đánh bạc và chuyển tiền trái phép, nhưng có thể khó áp dụng đối với các cửa hàng buôn bán nhỏ do lo ngại phiền phức và ý muốn né thuế của các cửa hàng này.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng với tuyến cáp AAE-1, tuyến cáp quang biển tiếp theo là APG đã được đơn vị kỹ thuật khắc phục xong sự cố, khôi...