Trung Quốc: Đã có 100 triệu người đăng ký thanh toán bằng gương mặt

Sự kiện: Công nghệ

Công nghệ nhận diện gương mặt đang thay đổi cách người dùng Trung Quốc trả tiền, tương tự cách thanh toán di động đã làm được trong vài năm qua.

Cô gái quét gương mặt tại một cửa hàng sách dùng hệ thống Alipay. Ảnh: AP

Cô gái quét gương mặt tại một cửa hàng sách dùng hệ thống Alipay. Ảnh: AP

Tại Trung Quốc, hơn 100 triệu người đăng ký sử dụng công nghệ thanh toán bằng gương mặt. Trước khi được hưởng các lợi ích của công nghệ mới, người dùng phải đăng ký ảnh chụp gương mặt với ứng dụng của nhà cung cấp dịch vụ. Quy định mới cũng yêu cầu khách hàng làm điều này khi đăng ký dịch vụ di động mới.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven giới thiệu công nghệ thanh toán bằng gương mặt từ tháng 5/2019, chủ yếu tại phía Nam Trung Quốc. Khoảng 1.000 cửa hàng trong chuỗi đã sử dụng hệ thống này. Theo đơn vị điều hành, khoảng 10% khách hàng tại các quận sầm uất của Quảng Châu mua sắm bằng gương mặt.

Ngay cả các nhà hàng nhỏ cũng chuẩn bị ứng dụng công nghệ thanh toán mới. Nhờ các chương trình của chính phủ, phần mềm còn được triển khai tại các nhà ga tàu điện ngầm để hành khách dùng gương mặt mình làm vé.

Một phụ nữ 23 tuổi cho biết hệ thống giúp mọi người đi qua cổng soát vé nhanh chóng, ngay cả trong giờ cao điểm. Hành khách chỉ cần nhìn vào máy tính bảng đặt ở trên cùng mỗi quầy soát vé tự động, không cần phải đưa điện thoại ra để quét mã như trước.

Công nghệ lấy gương mặt làm vé đang được giới thiệu tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và dự kiến mở rộng từ năm 2020.

Mỗi năm, thanh toán di động xử lý khoảng 200 nghìn tỷ nhân dân tệ ở Trung Quốc. Dù vậy, một số chuyên gia dự báo gương mặt sẽ thay thế di động làm phương thức thanh toán phổ biến trong vòng 2 năm nữa. Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent sẽ dẫn đầu làn sóng. Mỗi dịch vụ đang có khoảng 1 tỷ người dùng.

Hệ thống thanh toán bằng gương mặt mới gần như sẽ liên kết với các ứng dụng này. Người dùng Alipay và WeChat Pay chỉ cần gửi hình ảnh gương mặt để đăng ký. Nó nhanh hơn, dễ hơn và mượt hơn so với thanh toán di động hay xác thực vân tay vì phần mềm không cần đến smartphone hay đặt ngón tay lên máy quét.

Xu hướng còn được tiếp thêm sức mạnh từ nhiều startup trí tuệ nhân tạo (AI) Trung Quốc với công nghệ nhận diện gương mặt tinh vi, trong đó có Megvii Technology, thành lập năm 2011. Megvii là một trong các “kỳ lân công nghệ” AI. Các hãng dẫn đầu khác còn có SenseTime và YiTu.

Dù vậy, công nghệ nhận diện gương mặt lại gây lo ngại về quyền riêng tư và lạm dụng. Hồi tháng 9/2019, Megvii bị chỉ trích sau khi một tấm ảnh về giải pháp theo dõi sinh viên trong lớp học lan truyền trên mạng. Hệ thống dùng camera lắp đặt trong lớp để quản lý nhất cử nhất động của học viên, gây áp lực lớn cho mọi người.

Ngoài ra, theo luật tình báo có hiệu lực năm 2017, chính phủ Trung Quốc được phép tịch thu bất kỳ dữ liệu cá nhân nào mà các công ty đang sở hữu trong trường hợp an ninh quốc gia bị đe dọa.

Nếu công nghệ xác thực gương mặt được sử dụng rộng rãi, nó sẽ trợ giúp cho nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng mạng lưới giám sát 1,4 tỷ công dân với sự hỗ trợ của 200 triệu camera an ninh.

Những đứa trẻ chưa kịp lớn đã trở thành ngôi sao mạng xã hội

Tại Nga, nhiều đứa trẻ được phụ huynh gửi đến lớp học làm blog khi còn rất nhỏ. Nhờ có các nền tảng như Instagram,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Du Lam (Theo Nikkei) ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN