Trump có thể làm gì để ép các doanh nghiệp như Apple, Boeing rời Trung Quốc?

Sự kiện: Công nghệ

Không ai muốn rút khỏi thị trường khổng lồ và giàu tiềm năng như Trung Quốc, tuy nhiên, Tổng thống Trump nắm trong tay các công cụ quyền lực, có khả năng buộc các doanh nghiệp phải tuân theo.

Trump có thể làm gì để ép các doanh nghiệp như Apple, Boeing rời Trung Quốc? - 1

Vài giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố trả đũa bằng cách đánh thuế hàng hóa Mỹ, Tổng thống Donald Trump yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ “bắt đầu tìm kiếm thay thế cho Trung Quốc, bao gồm đưa công ty về quê hương và sản xuất tại Mỹ”.

Yêu cầu của Tổng thống Trump ngay lập tức khiến cổ phiếu của các công ty Mỹ như Apple, Boeing, Qualcomm, AMD, Broadcom… sụt giảm. Apple cảm nhận được hiệu ứng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lớn hơn bất kỳ hãng công nghệ nào khác. Phần lớn hoạt động lắp ráp sản phẩm của hãng đều diễn ra tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng là một thị trường lớn của hãng.

Theo viện nghiên cứu Rhodium Group, từ năm 1990 đến 2017, tổng cộng doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư 256 tỷ USD vào Trung Quốc, còn doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư 140 tỷ USD vào Mỹ. Trước khi xảy ra cuộc chiến thuế quan giữa hai nước, vài công ty Mỹ đã bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, thu hẹp sản xuất và chuyển hẳn ra khỏi đây sẽ cần thời gian. Ngoài ra, một số hãng đang kinh doanh trong lĩnh vực hàng không, dịch vụ, bán lẻ sẽ cảm thấy khó khăn khi phải rút khỏi thị trường khổng lồ và tiềm năng như Trung Quốc.

Khác với Trung Quốc, Mỹ không có nền kinh tế nhà nước. Vậy, Tổng thống Mỹ có thể làm gì để khiến các doanh nghiệp trong nước làm theo ý mình? Theo Reuters, ông nắm trong tay nhiều công cụ quyền lực mà không cần chấp thuận từ Quốc hội.

Đầu tiên, Trump có thể tiếp tục tăng thuế để bóp nghẹt lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến họ không còn cảm thấy hoạt động tại Trung Quốc là đáng giá nữa. Hôm 23/8, ông thông báo tăng thuế từ 25% lên 30% đối với gần 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm vật liệu thô, máy móc từ ngày 1/10. 300 tỷ USD hàng hóa khác sẽ bị tăng thuế từ 10% lên 15% từ 1/9 và 15/12.

Thuế cao khiến mua sắm linh kiện từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời tác động tiêu cực đến các công ty Mỹ đang sản xuất hàng hóa thông qua liên doanh với Trung Quốc.

Tiếp theo, Trump có thể đối xử với Trung Quốc giống với Iran và yêu cầu cấm vận, liên quan đến tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) 1977. Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, luật cho phép ông Trump có thẩm quyền rộng lớn để ngăn chặn hành động của từng công ty hay thậm chí cả ngành kinh tế.

Chẳng hạn, theo Tim Meyer - Giám đốc Chương trình nghiên cứu pháp luật quốc tế trường Luật Vanderbilt, bằng cách tuyên bố Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Mỹ là tình trạng khẩn cấp quốc gia, Trump có thể ra lệnh cho các công ty Mỹ tránh các giao dịch nhất định như mua sản phẩm công nghệ Trung Quốc.

Trump đã sử dụng chiến lược tương tự đầu năm nay khi ông tuyên bố nhập cư trái phép là khẩn cấp và đe dọa đánh thuế lên mọi mặt hàng nhập khẩu từ Mexico. Các đời Tổng thống trước đã sử dụng IEEPA để đóng băng tài khoản của chính phủ nước ngoài. Ví dụ, cựu Tổng thống Jimmy Carter năm 1979 đã chặn tài sản của chính phủ Iran lưu thông qua hệ thống tài chính Mỹ.

Tuy nhiên, theo Peter Harrell – cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao phụ trách cấm vận, IEEPA có thể phản tác dụng. Quan chức Mỹ cần cân nhắc tác động từ biện pháp trả đũa của Trung Quốc và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp. Mark Wu, Giáo sư thương mại quốc tế tại trường Luật Harvard, cho rằng sử dụng IEEPA cũng kích động các thách thức pháp lý tại tòa án.

Một lựa chọn khác, không cần tới hành động quốc hội, theo Bill Reinsch – cố vấn cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược - đó là cấm các doanh nghiệp Mỹ dự thầu hợp đồng liên bang nếu đang hoạt động tại Trung Quốc. Biện pháp này có thể nhằm vào một số công ty hoạt động trong các lĩnh vực cụ thể như hàng không, chẳng hạn Boeing. Boeing đang là nhà sản xuất vũ khí quan trọng cho Lầu Năm Góc và là nhà xuất khẩu hàng đầu nước Mỹ.

Boeing mở nhà máy hoàn thiện máy bay 737 đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 12/2018 và là khoản đầu tư chiến lược nhằm cạnh tranh với đối thủ Airbus. Boeing và Airbus đều mở rộng hoạt động tại Trung Quốc để cạnh tranh đơn hàng tại thị trường hàng không phát triển nhanh hàng đầu thế giới.

Công cụ cuối cùng, kịch tính hơn và khó xảy ra hơn, đó là kích hoạt Đạo luật thương mại với kẻ thù, được Quốc hội thông qua trong Thế chiến I. Luật cho phép Tổng thống Mỹ ban hành quy định và trừng phạt thương mại với một đất nước mà Mỹ coi là kẻ thù. Theo ông Wu, Trump gần như không sử dụng công cụ này vì sẽ làm leo thang mạnh mẽ căng thẳng với Trung Quốc.

Ông Wu nhận định IEEPA sẽ cho phép chính quyền Trump hành động tương tự mà không gây thiệt hại lớn về ngoại giao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Du Lam (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN