Triệu phú YouTube gốc Việt Michelle Phan trở lại với dự án mới

Sự kiện: Youtube

2 năm sau khi biến mất khỏi mạng xã hội, “phù thủy makeup gốc Việt”, triệu phú YouTube Michelle Phan đã trở lại với dự án hướng đến cộng đồng sáng tạo.

Triệu phú YouTube gốc Việt Michelle Phan trở lại với dự án mới - 1

Michelle Phan, phù thủy makeup gốc Việt sở hữu kênh YouTube hơn 8 triệu lượt theo dõi.

Michelle Phan là nghệ sỹ trang điểm nổi tiếng người Mỹ gốc Việt. Cô được mệnh danh là “phù thủy makeup” hay “triệu phú YouTube” nhờ sở hữu kênh video dạy trang điểm, làm đẹp nổi tiếng toàn thế giới với hơn 8 triệu người theo dõi. Tuy nhiên, cô đã biến mất khỏi mạng xã hội một phần vì trầm cảm và một phần là áp lực do bị kiện bởi âm nhạc sử dụng trong các đoạn video của mình. Ultra Records đệ đơn kiện năm 2014, cáo buộc Phan vi phạm bản quyền. Phía Phan phản kháng khi cho rằng cô được phép làm việc này. Hai bên cuối cùng đã dàn xếp tranh chấp ngoài tòa án.

Và nay, đúng như phương châm, “nếu đời cho ta một quả chanh, hãy pha thành ly nước chanh”, Michelle Phan đã trở lại bằng dự án Thematic hướng đến chính cộng đồng sáng tạo, cho phép mọi người tìm và dùng các bài hát từ những nghệ sỹ kém nổi tiếng hay còn chưa ra mắt. Nói cách khác, tác giả nội dung không còn lo sợ đơn kiện từ hãng ghi âm giống như Phan trước đây. Thematic tiết kiệm thời gian khi giúp khớp video và ca khúc. Ngược lại, người làm nhạc được biết đến nhiều hơn và tiếp cận lượng khán giả đông đảo hơn thông qua video của các tác giả.

Phan và cộng sự đã hợp tác với IpsyOS – studio dành cho các chuyên gia làm đẹp – để thử nghiệm nền tảng với các thành viên Glow của studio, những người có ít nhất 10.000 người theo dõi trên YouTube hoặc 25.000 trên Instagram. Phan giải thích, ban đầu họ tập trung trong cộng đồng phong cách sống và làm đẹp vì gần gũi hơn. Thử nghiệm cho thấy tác giả nội dung đánh giá cao thời gian họ tiết kiệm được khi tìm kiếm nhạc thông qua Thematic.

Phan chính thức giới thiệu Thematic tại Mỹ vào tháng 6/2018 trong khuôn khổ VidCon, một hội thảo thường niên dành cho ngành công nghiệp video trực tuyến, thu hút hơn 30.000 người tham dự. Thành viên của Thematic từ đó đến nay tăng 2.000% với 1/3 đang trong danh sách chờ. Dự kiến Thematic hỗ trợ hơn 100.000 thành viên khi chạm mốc 12 tháng hoạt động.

Để bảo đảm âm nhạc trên Themactic phù hợp với nội dung chủ đề video của tác giả, Phan và nhóm của mình sử dụng cả đôi tai lẫn quy trình quét tự động. Quy trình quét và phân tích diễn ra liên tục, kết hợp với siêu dữ liệu âm nhạc tiêu chuẩn và một nhóm nhân sự phụ trách nghe nhạc. Nhờ vậy, Thematic có thể phục vụ khoảng 80% nghệ sỹ trong 30 ngày. Để giữ chân tác giả, âm nhạc mới được ra mắt mỗi thứ Sáu.

Tuy nhiên, nghệ sỹ không được trả tiền nếu âm nhạc của họ xuất hiện trong các đoạn video. Để mang lại giá trị cho họ, Thematic yêu cầu tác giả ghi tên nghệ sỹ và tên bài hát vào video. Nền tảng cũng cung cấp dữ liệu sử dụng âm nhạc của họ. Từ khi thử nghiệm riêng tư với IpsyOS, Thematic khẳng định đã có 62 triệu lượt xem và 88 triệu lượt tiếp cận khán giả, dựa trên ít nhất 2.300 video lồng nhạc trên nền tảng.

Hiện tại, nền tảng hoạt động bằng vốn cá nhân. Michelle Phan chưa thảo luận về mô hình kiếm tiền từ Thematic. Ngoài YouTube, các tác giả Instagram cũng tỏ ra quan tâm đến nền tảng, đặc biệt sau khi Instagram ra ứng dụng video định dạng dài IGTV. Trong tương lai, dự án có thể mở rộng sang Facebook cùng các nền tảng dành riêng cho game.

Làm thế nào để xem thời gian sử dụng YouTube?

Mới đây, YouTube đã bổ sung tính năng thống kê, cho phép người dùng biết được thời gian sử dụng YouTube trong ngày và trong...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Du Lam/TechInAsia ([Tên nguồn])
Youtube Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN