Trí thông minh nhân tạo đe dọa con người

Những câu chuyện khoa học viễn tưởng đang dần trở thành hiện thực khi các thế hệ máy tính ngày càng thông minh và dần thay thế con người.

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, mỗi khi quay số tới dịch vụ báo giờ của tổng đài bưu điện, nghe giọng nữ báo giờ xong là tôi rất lịch sự, cảm ơn đầy trìu mến. Cũng có những lúc hơi lăn tăn vì nghe mình cảm ơn mà cô nàng kia cứ mãi lặng im. Mãi sau này mới biết cô nàng giọng ngọt ngào kia chỉ là “người máy” của tổng đài tự động. Đó là một dạng “thông minh nhân tạo” (Artificial Intelligence - AI) đơn giản.

Máy móc ngày càng thông minh

Hồi tháng 4.2016, trong chuyến thăm đại bản doanh của hãng công nghệ Microsoft ở Seattle (Mỹ), tôi đã được tìm hiểu sâu hơn về một hình thái AI mới là “learning machine” (tạm dịch là máy học). Đây là dạng phần mềm thông minh được tích hợp trong các thiết bị thông minh có khả năng tự học trong quá trình tiếp xúc với con người. Có nghĩa là càng ngày máy học này càng hiểu người sử dụng nó, tự tinh chỉnh mình cho hợp ý, thậm chí có thể trở thành bầu bạn cỡ “Bá Nha - Tử Kỳ”.

Sự phát triển này càng thêm lợi hại khi Microsoft cung cấp các bộ API (giao diện chương trình ứng dụng) cho bên thứ ba có thể tạo ra các AI theo ý mình. Bên phần cứng thì Intel cũng đưa ra các con chip xử lý dạng FPGA, cho phép người dùng tự lập trình chúng theo nhu cầu của mình.

Chẳng hạn trong một workshop của Microsoft, một người máy học làm nhiệm vụ tiếp tân khách sạn. Khi tôi gọi điện thoại tới, nàng ta chào và hỏi tôi cần gì. Nghe tôi báo mình là người Việt Nam (có thể sau này siêu hơn, nàng chỉ cần nghe giọng nói là biết người nước nào), nàng đã chuyển sang dùng tiếng Việt để giao tiếp với tôi. Nếu không trực tiếp thử nghiệm, tôi không thể biết cô nhân viên tiếp tân dễ thương và chu đáo đó là một… người máy.

Cũng ở trụ sở Microsoft, tôi còn được trải nghiệm AI ứng dụng vào hệ thống liên lạc, ở đây là công cụ dịch thuật tích hợp với hệ thống liên lạc video Skype. Anh chàng Mỹ ở nước Mỹ nói bằng tiếng Anh rồi tiếng Pháp, còn cô gái ở tận nước Ả Rập xa xôi kia nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Máy dịch những gì anh Mỹ nói ra tiếng Ả Rập và dịch những gì cô gái nói bằng tiếng Ả Rập ra tiếng Anh. Với thiết bị phiên dịch thông minh này, bạn có thể đi khắp thế giới mà không cần biết tiếng nước ngoài. Nó đặc biệt hữu dụng cho những công ty đa quốc gia, nơi có nhân viên thuộc nhiều nước khác nhau.

Trí thông minh nhân tạo đe dọa con người - 1

Trí thông minh nhân tạo và robot được xem là để phục vụ con người nhưng có thể tương lai thì mọi thứ sẽ khác. Ảnh: INTERNET

Và những mối nguy hại mới

Tôi và các đồng nghiệp bạn bè là những chuyên gia công nghệ từng chia sẻ về vấn đề trí thông minh nhân tạo và tất cả thống nhất là sẽ xuất hiện mối lo sợ mang đậm chất Hollywood rằng con người phát triển AI, tạo ra người máy ngày càng siêu, tới một lúc nào đó vuột ra khỏi tầm kiểm soát của mình.

Quy luật tự nhiên là việc gì cũng có mặt phải, mặt trái. AI cũng vậy. Với trí sáng tạo phong phú và trình độ công nghệ ngày càng cao, người ta đang phát triển AI ngày càng siêu đẳng hơn. Nếu được ứng dụng đúng đắn, AI sẽ trở thành trợ thủ đắc lực phục vụ loài người. Theo lẽ thường, cho dù thông minh tới đâu, nó vẫn chỉ là máy móc, là công cụ. Nhưng nào có ai biết được khi nào xảy ra sự cố, trục trặc biến điều tốt đẹp thành nguy cơ. Không ai có thể lường trước được những gì AI làm hại loài người nếu như nó nằm trong tay những kẻ xấu hay nó bị “chạm mạch”.

Mối nguy cơ luôn tỉ lệ thuận với năng lực của AI. AI ngày càng trở nên siêu hơn và thậm chí có thể lúc nào đó trí thông minh nhân tạo còn vượt trội trí thông minh con người, nhất là khi nó được trang bị bửu bối là khả năng học từ chính con người để phát triển giống người hơn. 

Xu hướng phát triển AI trong những chiếc “máy học” đang ngày càng trăm hoa đua nở. Có lẽ không phải là sớm nữa khi nhà chức trách có quy mô thế giới phải đưa ra được những luật lệ cơ bản, những bộ khung cho AI và người máy. Bạn cứ coi các bộ phim khoa học viễn tưởng mà giới điện ảnh ở Hollywood xưa nay vẫn nổi tiếng có cái nhìn đi trước thời đại để có thể hình dung ra cái thế giới con người sống giữa các bầy đàn người máy. Mọi thứ bây giờ không còn là chuyện trong phim mà là có khả năng diễn ra ngay trong cuộc sống chúng ta.

Lo sợ tội phạm công nghệ

Các chuyên gia của Kaspersky gần đây đã có những dự đoán về công nghệ thông tin trong 30 năm tới, tức thời điểm 2045. 

Theo đó, robot ở khắp mọi nơi, xuất hiện con người cơ học, xuất hiện máy móc siêu trí tuệ, xuất hiện cuộc chiến chống lại máy móc... Tuy nhiên, đáng lưu ý là tội phạm mạng sẽ tiếp tục thực hiện mọi nỗ lực để khai thác bất kỳ sự tiến bộ về CNTT cho các mục đích độc hại của riêng mình. Công nghệ chỉ là một công cụ và tùy thuộc vào con người sẽ sử dụng chúng một cách đúng đắn hay sai trái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Hồng Phước ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN