Trái Đất xếp nếp kỳ lạ ở Bắc Cực, các nhà khoa học bối rối
Quanh khu vực sông Markha ở Siberia, phía gần cực Bắc, Trái Đất đã gợn sóng theo cách mà các nhà khoa học NASA không thể lý giải tường tận.
Các nhà nghiên cứu từ NASA đã công bố loạt hình gây bối rối cho chính họ, đó là ảnh chụp một vùng đất trông như bị nhăn nheo kỳ dị mà vệ tinh Landsat 8 đã ghi lại được ở Bắc Cực.
Vùng đất đầy "hoa văn" lạ như tranh vẽ quanh khu vực sông Markha ở Siberia - Ảnh: NASA
Trong loạt ảnh được đăng tải trên website của Cơ quan Quan sát Trái Đất thuộc NASA, một thế giới trông như ở… Sao Hỏa hoặc một hành tinh xa lạ khác xuất hiện trong cả 4 mùa và đặc biệt rõ ràng vào mùa đông. Đất đai trông như từng bị chảy nhão ra rồi đột ngột đông cứng trở lại, tạo thành những hoa văn uốn lượn lạ lùng.
Theo NASA, một nghiên cứu của họ từng đăng tải trên tạp chí Science cho rằng các hình dạng kỳ lạ có thể được tạo nên khi những vùng đất liên tục bị đóng băng, tan băng và đóng băng trở lại, ví dụ như cảnh quan ở vùng Svalbard, Na Uy. Nhưng những gì quan sát được ở Siberia hoàn toàn phức tạp và có quy mô khổng lồ hơn ở Na Uy.
Science Alert cho biết nhà địa chất học Thomas Crafford của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ đã đưa ra một giả thuyết khác là xói mòn đã tạo nên một mô hình kỳ lạ ở đá trầm tích, gọi là "địa chất bánh nhiều lớp", xảy ra khi tuyết tan hoặc mưa nhỏ giọt xuống các dốc đá, làm nữa vỡ và dồn các mảng đá trầm tích thành đống.
Tuy nhiên, mọi lời giải thích đều chỉ là giả thuyết, và chỉ khá hợp lý chứ chưa hoàn toàn thuyết phục. NASA cho biết họ sẽ cần nghiên cứu kỹ hơn để đưa ra kết luận cuối cùng.
Nguồn: [Link nguồn]
Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 24/2 công bố ảnh chụp toàn cảnh sống động của khu vực hạ cánh của tàu thám...