Trái Đất đang tự nuốt đại dương: Manh mối mới về sự sống ngoài hành tinh

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard (Mỹ) đã tái hiện "Trái Đất đại dương" thuở sơ khai, trông giống nhiều ngoại hành tinh được xác định gần đây.

Một số hành tinh thuộc TRAPPIST-1, một hệ sao nổi tiếng với cả 7 hành tinh có thể có nước, bị hoài nghi về khả năng sinh sống bởi có quá nhiều nước. Thế nhưng nghiên cứu mới cho thấy chính Trái Đất của chúng ta có thể từng giống như vậy.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi nhà khoa học hành tinh Junjie Dong từ Đại học Harvard (Mỹ) đã định lượng khả năng lưu trữ nước của wadsleyite và ringwoodite, là 2 khoáng vật núi lửa dưới dạng áp suất cao, nằm ẩn sâu dưới lòng Trái Đất, ở nơi gọi là "lớp phủ". Hành tinh của chúng ta vốn có nhiều lớp, lần lượt là: lớp vỏ, lớp phủ (có thể chia thành lớp phủ trong và lớp phủ ngoài), lõi ngoài, lõi trong.

Trái Đất trong Liên đại Thái Cổ có thể là một hành tinh đại dương giống như các ngoại hành tinh được xác định gần đây - Ảnh: NASA

Trái Đất trong Liên đại Thái Cổ có thể là một hành tinh đại dương giống như các ngoại hành tinh được xác định gần đây - Ảnh: NASA

Theo Science Alert, ngày nay, hầu hết nước của Trái Đất được lưu trữ trong lớp phủ này, chủ yếu bởi 2 khoáng vật nói trên. Khả năng chứa nước của lớp phủ hiện tại gấp 1,86 đến 4,41 lần các đại dương. Tuy nhiên nghiên cứu mới nhận ra rằng khả năng trữ nước của 2 khoáng vật này phụ thuộc vào nhiệt độ: càng nóng, khả năng trữ nước của nó càng thấp.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu tin rằng trong Liên đại Thái Cổ (Archean, khoảng 3,8-4 tỉ năm trước đến 2,5 tỉ năm trước), khi bên trong Trái Đất non trẻ ấm hơn bây giờ nhiều, nước không nằm nhiều trong lớp phủ như hiện tại mà cư ngụ trên bề mặt.

Nghiên cứu vừa công bố trên AGU Advances khẳng định Trái Đất lúc đó hoàn toàn ngập lụt, mang vẻ ngoài của một "hành tinh đại dương" yên bình, không có lục địa. Sau đó bên trong hành tinh nguội dần đi, rất chậm và vẫn đang tiếp tục đến ngày nay, dần dần tự "nuốt" bớt đại dương và để cho các lục địa có cơ hội lộ diện, tạo điều kiện cho các dạng sống như hiện tại.

Hơn nữa, bên trong lớp phủ, người ta còn tìm thấy bằng chứng về sự kết tinh thêm của các khoáng chất lưu trữ nước, do đó khả năng nước được hút dần vào lớp phủ cũng tăng lên.

Đây là một manh mối quan trọng cho các cuộc truy tìm sự sống ngoài hành tinh bởi cho đến hiện tại, không ít "thế giới đại dương" đã được xác định. Thay vì tìm một hành tinh giống hệt Trái Đất ngày nay, thì các hành tinh có siêu đại dương như Trái Đất cổ đại cũng nên là mục tiêu, vì có thể nó đang trong giai đoạn sinh ra sự sống sơ khai.

Nguồn: [Link nguồn]

Kinh ngạc hành tinh giống Trái Đất tái sinh sau khi bị ”lột vỏ”

Nghiên cứu mới đã hé lộ quá khứ rùng mình của Gliese 1132b, một ngoại hành tinh giống Trái Đất về kích thước, mật độ,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN