Trái Đất có dấu hiệu lật ngược từ bên trong?
Một thứ bí ẩn thuộc lõi ngoài của Trái Đất đã không còn ở vị trí cũ chỉ sau 20 năm, có thể liên quan đến việc cực Bắc của Trái Đất đang "trôi" từ Canada sang Siberia - Nga.
Nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa chất học Ying Zhou từ Đại học Bách khoa Virginia - Mỹ đã xem xét sóng địa chất lan truyền từ 2 trận động đất khác nhau, ở những vị trí tương tự nhau nhưng cách nhau 21 năm.
Đó là 2 trận động đất gần quần đảo Kermadic ở Nam Thái Bình Dương, trận thứ nhất vào tháng 5-1997; trận thứ hai vào tháng 9-2018.
Kết cấu bên trong Trái Đất - Ảnh: SCITECH DAILY
Kết quả tiết lộ những thay đổi đáng kể trong lõi ngoài của Trái Đất, một lớp gồm sắt lỏng và niken trộn lẫn, nằm giữa lớp phủ (lớp đá bên dưới lớp vỏ) và lõi trong của Trái Đất. Lõi ngoài chính là thứ ảnh hưởng trực tiếp tới từ trường của hành tinh của chúng ta, thứ kiến tạo nên từ quyển mạnh mẽ như một lớp áo giáp bảo vệ sự sống khỏi các yếu tố có hại từ vũ trụ.
"Có điều gì đó đã thay đổi trên đường đi của làn sóng đó, vì vậy hiện nay nó có thể đi nhanh hơn" - tờ Science Alert dẫn lời tiến sĩ Zhou.
Vật liệu nằm trên đường đi của sóng địa chấn là vật liệu mới và nó nhẹ hơn, có thể chứa nhiều nguyên tố như hydro, carbon và oxy, đã được giải phóng trong lõi bên ngoài kể từ năm 1997.
Sự thay đổi về vật liệu này gợi ý đã có sự xáo trộn trong lõi, khiến các vật liệu ở những vị trí khác nhau di chuyển đến khu vực mới.
Điều này được nhóm nghiên cứu cho là kết nối trực tiếp với hiện tượng cực Bắc Trái Đất - cực Bắc từ tính thật sự - đã không còn nằm ở chỗ gọi là "Bắc Cực" trên bản đồ mà đang lang thang ở Bắc Băng Dương, sắp cập bờ Siberia - Nga.
Sự chuyển dịch của cực Bắc được cho là dấu hiệu báo trước của hiện tượng "Trái Đất lật ngược", tức đảo ngược cực từ, khiến cực Nam nhảy lên vị trí của Bắc Cực hiện nay trong khi cực Bắc thực sự "trôi" tuốt xuống trung tâm lục địa Nam Cực.
Sự đảo ngược cực từ không gây nên tận thế, nhưng có thể làm hư hại hệ thống vô tuyến, viễn thông của con người và đẩy chúng ta vào một giai đoạn từ trường suy yếu, khí hậu khắc nghiệt hơn do phải hứng chịu bức xạ dữ dội hơn từ Mặt Trời.
Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Zhou dự tính sẽ tiếp tục theo dõi sự biến đổi của lõi ngoài Trái Đất nhờ vào mạng lưới 152 trạm địa chấn toàn cầu, để có thể hiểu rõ hơn về hoạt động của thế giới sâu và bí ẩn này.
Nghiên cứu sơ bộ vừa công bố trên Nature Communications Earth & Environment.
Kính viễn vọng không gian Webb Telescope mới của NASA có thể nhìn vào vũ trụ xa hơn bất kỳ kính thiên văn nào trước đây.
Nguồn: [Link nguồn]