Trái Đất bắt được 1.652 tín hiệu vô tuyến "dội bom" từ thiên hà lạ
Các tín hiệu vô tuyến bí ẩn bắt nguồn từ một thiên hà lùn cách chúng ta tận 3 tỉ năm ánh sáng, thuộc chòm sao Ngự Phu (Auriga).
Theo Sci-News, các tín hiệu vô tuyến được thiên hà bí ẩn phát ra dưới dạng chớp sóng vô tuyến (FRB), là dạng tín hiệu chỉ phát ra trong một phần nhỏ của giây, nhưng cực mạnh. 1.652 tín hiệu lần này được phát hiện bởi kính viễn vọng vô tuyến FAST đặt tại Đài quan sát ở Qiannan Buyei (Trung Quốc).
FAST đã bắt được tới hơn 1.600 tín hiệu vô tuyến từ cùng một nguồn chỉ trong 47 ngày - Ảnh: Đài quan sát thiên văn Quốc gia - Học viện Khoa học Trung Quốc
Tiến sĩ Bing Zhang từ Khoa Vật lý và thiên văn học, Đại học Nevada (Mỹ), một trong các tác giả chính của nghiên cứu, cho biết có 2 mô hình hoạt động có thể lý giải nguồn gốc của chớp sóng vô tuyến: chúng có thể đến từ các quả cầu từ tính trong vũ trụ, hoặc từ một sao từ.
Sao từ là giả thuyết thường được các nhà thiên văn học ủng hộ hơn cả khi nói về chớp sóng vô tuyến. Nó là một dạng sao neutron có từ trường đặc biệt mạnh, trong khi bản thân mỗi sao neutron đã là một "quái vật". Sao neutron được cho là phần xác cuối cùng sau khi một ngôi sao khổng lồ chết đi: sụp đổ lần 1 thành sao lùn trắng, sụp đổ lần 2 thành sao neutron hoặc lỗ đen.
Với nguồn tín hiệu mới này, các nhà nghiên cứu cũng nghiêng về giả thuyết có một sao từ tham gia. Thế nhưng điều khó lý giải nhất là đợt phát sóng 47 ngày này đã chiếm tới 3,8% năng lượng sẵn có từ một sao từ thông thường, như vậy là quá nhiều. Họ tin rằng phải có một sự kiện gì đó đi kèm hoặc một "quái vật" vũ trụ bí ẩn nào đó song hành cùng ngôi sao từ.
Nguồn tín hiệu vô tuyến mới, được đặt tên là FRB 121102, đã phát ra tổng cộng 1.652 chớp sóng vô tuyến từ ngày 29-8 đến ngày 29-10-2019, trong đó đợt bùng nổ dữ dội nhất là 122 tín hiệu chỉ trong vòng 1 giờ. Các nhà khoa học đã rất vất vả để truy nguồn gốc của tín hiệu, và xác định được đó là một thiên hà lùn thuộc chòm Ngự Phu. Tín hiệu mạnh tới nỗi dù thiên hà này cách chúng ta tận 3 tỉ năm ánh sáng, FAST vẫn bắt được nó dễ dàng.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Các nghiên cứu trước đây cho rằng, Sao Kim đã từng bị bao phủ bởi các đại dương thì một nghiên cứu mới đã phát hiện...
Nguồn: [Link nguồn]