Top 50 doanh nghiệp CNTT tại VN: Có sản phẩm công nghệ nào ấn tượng?
Trong khi Samsung có công cụ bảo mật Knox thì MobiFone mang tới loạt giải pháp tích hợp AI,...
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện
“Chương trình 50+10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh Đà Nẵng 2019 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức, đã tôn vinh 50 doanh nghiệp uy tín và dẫn đầu trong 3 lĩnh vực: Gia công phần mềm và dịch vụ, cung cấp sản phẩm và giải pháp phần mềm, cung cấp giải pháp và ứng dụng cho di động; và 10 doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo đó, ngoài các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam, Công ty Điện tử Samsung Vina (thuộc Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc) cũng được vinh danh trong đợt này. Tham gia ứng cử với giải pháp bảo mật và quản trị di động hóa Knox Platform, Samsung Knox chính thức được VINASA công nhận là một trong 50 giải pháp CNTT hàng đầu năm 2019. Kết hợp phần mềm với phần cứng tích hợp sẵn, Samsung Knox giúp bảo mật thông tin liên quan đến hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh của các tổ chức.
Knox là giải pháp bảo mật đang có trên các dòng smartphone Samsung.
Nền tảng bảo mật Knox hỗ trợ cho chính sách di động hóa của tổ chức, phù hợp với các doanh nghiệp tư nhân cũng như các cơ quan chính phủ, nhà nước hay môi trường cần đảm bảo tính bảo mật cao như ngành công an, quân đội. Giải pháp bảo vệ nhiều tầng, bao gồm cơ chế mã hóa từ phần cứng, được Gartner và chính phủ các nước, bao gồm cả Bộ Quốc Phòng Mỹ chứng nhận bảo mật cấp cao nhất.
Samsung Knox bao gồm các sản phẩm chính là Knox Platform for Enterprise (Nền tảng Knox cho doanh nghiệp), Knox Manage (quản lý) và Knox Configure (Setup và Dynamic edition). Knox Manage và Knox Platform for Enterprise bảo vệ, quản trị các thiết bị di động của công ty; Knox Configure Setup được sử dụng để tùy biến thương hiệu, cấu hình thiết bị, cài sẵn các ứng dụng của doanh nghiệp trong mô hình B2B2C; còn Knox Configure Dynamic cho phép công ty quyết định cấu hình thiết bị phục vụ cho công việc của tổ chức theo mục đích sử dụng cụ thể.
Một cái tên khác cũng gây ấn tượng với những công nghệ mới là MobiFone, đã lọt top 50 đợt này. Trong thời đại 4.0, MobiFone tiên phong đưa ra những giải pháp dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, AI Camera là nền tảng phần mềm ứng dụng công nghệ Deep Learning (học sâu), cho phép nhân diện khuôn mặt, nhận diện đối tượng, biển số xe, lỗi vi phạm giao thông, thông qua hình ảnh trích xuất từ camera thông thường, không yêu cầu camera chuyên dụng.
MobiFone mang tới loạt công nghệ tích hợp AI.
MobiFone còn có công nghệ chuyển đổi chữ viết thành giọng nói AI-TTS (Text-to-Speech), ứng dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên chuyển văn bản sang giọng nói tùy chọn theo từng vùng miền. Giải pháp AI TTS do MobiFone xây dựng được tối ưu cho tiếng Việt, có khả năng đọc theo ngữ điệu tự nhiên giống người thật tới hơn 90%.
Bên cạnh đó, phải kể đến Big Data (dữ liệu lớn) - ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn cho các bài toán liên quan tới tài chính (chấm điểm tín dụng cá nhân MobiCS, xác thực địa chỉ khách hàng MobiCAC), tín dụng (tài chính di động MobiFinance), khuyến mãi bán hàng,...
Ngoài ra, nhiều tên tuổi lớn trong làng công nghệ của Việt Nam như FPT, Viettel, CMC, FSI,... đều có mặt trong top này.
Theo số liệu thống kê từ VINASA, năm nay các doanh nghiệp đăng ký vào nhóm các doanh nghiệp có năng lực 4.0 chiếm trên 1/3 tổng số doanh nghiệp tham gia. Qua việc thẩm định các doanh nghiệp đề cử trong nhóm này, các đoàn chuyên gia ghi nhận các doanh nghiệp hiện nay đều có nhận thức rất rõ việc ứng dụng và phát triển các ứng dụng chuyển đổi số này để gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí và thời gian, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã thành lập các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI),… Về doanh thu, một số doanh nghiệp có sự tăng trưởng rất tốt trong năm 2018 cả về doanh thu và nhân lực, tiêu biểu như Rikkeisoft, MISA, KMS, FSI, Ominext, Saigon BPO… Theo số liệu thống kê, 50+10 doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2018 đạt 693.657 tỷ VND, chiếm 31% doanh thu toàn ngành CNTT năm 2018; tổng số nhân lực là 184.077 người, chiếm xấp xỉ 20% tổng số nhân lực toàn ngành CNTT Việt Nam. |
Giải pháp của Samsung được tích hợp vào các sản phẩm TV, điện thoại, máy lạnh, tủ lạnh cùng các thiết bị gia dụng...