Tin xấu cho hành tinh có thể có sự sống gần chúng ta nhất
Dạng vật thể "mẹ" của các hành tinh mà người Trái Đất mong đợi tìm thấy sự sống nhất có thể là một quái vật.
Công bố nghiên cứu trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, nhóm nghiên cứu đẫn dầu bởi Viện Thiên văn học của Đại học Hawaii (IfA - Mỹ) cảnh báo các hành tinh quay quanh các ngôi sao lùn đỏ có thể đã bị tước bỏ sự sống.
Đó là vì các ngôi sao lùn đỏ - dạng sao mát và nhỏ nhất - lại đáng sợ hơn vẻ ngoài rất nhiều.
Các ngoại hành tinh phù hợp với sự sống và gần chúng ta nhất như Proxima b có thể gặp nguy hiểm từ chính sao mẹ - Ảnh đồ họa: VIỆN THIÊN VĂN HỌC ĐẠI HỌC HAWAII
Trước đó, người ta đã nhận thấy rằng một số ít sao lùn đỏ là kẻ hung dữ, có thể tạo ra các vụ bùng nổ tia cực tím đủ mạnh để gây hại cho các hành tinh.
Giờ đây, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng điều đó phổ biến và khốc liệt hơn chúng ta tưởng.
Họ đã sử dụng dữ liệu lưu trữ từ kính viễn vọng không gian GALEX để tìm kiếm các vụ bùng phát trong số 300.000 ngôi sao gần đó.
GALEX là một sứ mệnh của NASA hiện đã ngừng hoạt động, nhưng đã kịp quan sát hầu hết bầu trời ở bước sóng UV gần và xa từ năm 2003-2013.
Sử dụng các kỹ thuật tính toán mới, nhóm nghiên cứu đã khai thác được những hiểu biết mới lạ từ dữ liệu.
Khả năng phát xạ UV của các ngôi sao nói chung có thể làm xói mòn khí quyển của các hành tinh quanh nó, đe dọa khả năng hỗ trợ sự sống của các hành tinh này hoặc ngược lại góp phần hình thành các khối xây dựng RNA, vốn rất cần thiết cho sự sống.
Không may mắn như Trái Đất, lượng UV mà các hành tinh quanh sao lùn đỏ nhận được lại nhiều quá mức.
Đó là mức năng lượng cao gấp 3-12 lần những gì sự sống cần, tức gây ra sự hủy diệt.
Nguyên nhân chính xác của sự phát xạ tia cực tím xa mạnh hơn này vẫn chưa rõ ràng, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng do chính thành phần khác biệt của các sao lùn đỏ so với Mặt Trời.
Vì vậy, tuy nhỏ bé và lạnh hơn ngôi sao mẹ của chúng ta rất nhiều, các sao lùn đỏ lại trở nên "sát thủ".
Rất tiếc, sao lùn đỏ lại là dạng sao phổ biến nhất trong thiên hà Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta.
Nhiều ngoại hành tinh mà các nhà sinh học thiên văn kỳ vọng là có sự sống nhất rất tiếc cũng có "mẹ" là sao lùn đỏ.
Một ví dụ là Proxima b (Proxima Centauri b) quay quanh ngôi sao lùn đỏ Proxima Centauri cách chúng ta chỉ 4,2 năm ánh sáng, nơi mà một số nhóm nghiên cứu đã kỳ vọng tồn tại nhiều sinh vật biển.
Đó sẽ là tin buồn cho các nhà sinh học thiên văn, dù là dữ liệu quan trọng giúp chúng ta khoanh vùng chính xác hơn những thế giới có tiềm năng hỗ trợ sự sống.
Nguồn: [Link nguồn]
Tình cảnh lạ lùng của Trái Đất và Mặt Trăng hơn nửa tỉ năm trước đã góp phần không nhỏ vào sự tồn tại của chúng ta ngày nay.