Tin tức thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội: Những ai chia sẻ nhiều nhất?
Gần 2 trên 10 người dùng internet ở khu vực Đông Nam Á chia sẻ tin tức trên mạng xã hội trước khi kiểm chứng.
Theo một khảo sát vừa công bố của hãng bảo mật Kaspersky, thế hệ “Boomers” (sinh ra trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1964) trong khu vực nhiều khả năng sẽ “phản ứng” với những thành viên trong gia đình và bạn bè nếu họ chia sẻ tin giả.
Gần 2 trên 10 người dùng internet ở khu vực Đông Nam Á chia sẻ tin tức trên mạng xã hội trước khi kiểm chứng. (Ảnh minh họa)
Lượng tiếp cận tin tức từ những phương tiện truyền thông chính thống và truyền thông xã hội đã tăng mạnh trên toàn cầu, trong đó có các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á khi mọi người phải ở nhà vào năm vừa qua. Đáng chú ý là người dùng trực tuyến trong khu vực chủ yếu đọc tin tức thông qua mạng xã hội.
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy, phần lớn (76%) người dùng internet ở khu vực Đông Nam Á cập nhật tin tức từ các nền tảng như Facebook, Twitter, Instagram,… Gen Z là thế hệ chiếm tỷ lệ cao hơn (83%), tiếp theo là Millennials (81%), Baby Boomers (70%), và Gen X (62%). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ tin tưởng tuyệt đối vào thông tin được chia sẻ trên các nền tảng này.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát tương tự được thực hiện vào tháng 11/2020 cho thấy, gần 2 trên 10 (18%) người được hỏi thừa nhận đã chia sẻ tin tức trước khi kiểm chứng. Con số này cao nhất ở Gen Z (28%), tiếp theo là Gen X (21%), và Boomers (19%). Millennials ghi nhận mức thấp nhất với 16%.
Tỷ lệ người dùng mạng xã hội khu vực Đông Nam Á cho biết họ chia sẻ tin tức / bài báo trên mạng xã hội trước khi kiểm chứng.
Theo Beverly Leow - nhà tâm lý học tại Mind What Matters, tỷ lệ thấp ở người dùng kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ trực tuyến có thể đến từ “thuyết tự trình bày” (“self-presentation theory”) khi cá nhân mong muốn được tự trình bày thông tin theo cách riêng. Do vậy, khi người dùng chia sẻ thông tin trước khi kiểm chứng, rất có thể họ bị thúc đẩy bởi mong muốn thể hiện mình là cư dân mạng có khả năng cập nhật tin tức sớm và đầy đủ.
“Phương tiện truyền thông xã hội mang đến cho chúng ta nhiều phương thức tường thuật tin tức khác nhau. Đôi khi một sự việc hoặc sự kiện có thể có nhiều câu chuyện hoặc phiên bản mâu thuẫn, dẫn đến việc xác minh sự thật hoặc tính hợp lệ của thông tin có thể mất nhiều thời gian hơn và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn so với việc nhấn nút “chia sẻ” hoặc “đăng lại””, Leow giải thích.
Ông Yeo Siang Tiong - Tổng Giám đốc Kaspersky khu vực Đông Nam Á cho biết: “Đông Nam Á được biết đến là một trong những khu vực có người dùng sử dụng mạng xã hội tích cực nhất. Khảo sát của chúng tôi cho thấy 36% người dùng khu vực Đông Nam Á dành thêm 1 - 2 giờ trên các nền tảng trực tuyến sau thời gian giãn cách xã hội, 28% dành thêm 2 - 4 giờ, và khoảng 17% dành thêm 4 - 6 giờ trên môi trường trực tuyến”.
“Năm 2020 đã chứng kiến tấn công lừa đảo qua email, scams, tên miền giả mạo lợi dụng tình hình dịch COVID-19, và thậm chí bây giờ là vắc-xin. Đây là lý do cả cá nhân và doanh nghiệp, với hình thức làm việc tại nhà như hiện nay, không nên xem nhẹ những thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Khi tình hình đại dịch có thể còn kéo dài, luôn đề cao cảnh giác đối với tin giả và liên kết giả mạo là điều cần thiết hơn cả”, ông Yeo khuyến cáo.
Ở chiều ngược lại, nhận thức về tin giả trực tuyến có tín hiệu tăng lên, với 6 trên 10 người dùng trong khu vực ở các thế hệ cho biết họ kiểm tra các nguồn thông tin trên mạng xã hội trước khi nhấp vào “Chia sẻ”. Boomers là thế hệ có tỷ lệ dẫn đầu trong việc sẽ phản ứng với bạn bè hoặc thành viên gia đình nếu họ chia sẻ tin giả, với tỷ lệ 41%. Tiếp sau là Millennials (27%), và Gen X (23%). Gen Z dường như “hiền hòa” hơn, với mức 19%.
Tỷ lệ người dùng mạng xã hội khu vực Đông Nam Á sẽ phản ứng với bạn bè/thành viên gia đình nếu họ chia sẻ tin tức/bài báo giả mạo.
“Chặn” là một cách khác để người dùng trong khu vực bảo vệ mình khỏi thông tin sai lệch. Hơn 1/4 người được hỏi thừa nhận đã chặn những người chia sẻ các bài viết mà họ cho là có thông tin không rõ ràng. Tỷ lệ này đối với Gen Z là cao nhất với 46%, tiếp theo là Boomers, Millennials, và Gen X với lần lượt là 33%, 32%, và 30%.
Để tự bảo vệ trước những cuộc tấn công phi kỹ thuật trên mạng xã hội:
• Kiểm tra nguồn: Hãy dành một chút thời gian để kiểm tra thông tin đến từ đâu. Kiểm tra các liên kết, cũng như chính tả. Nếu nghi ngờ, hãy tìm đến những trang tin tức chính thức hoặc trang web của công ty.
• Phá vỡ vòng lặp: Tấn công phi kỹ thuật thường dựa vào cảm giác cấp bách. Những kẻ tấn công hy vọng mục tiêu của họ sẽ không suy nghĩ quá nhiều về những gì đang diễn ra. Vì vậy, bạn chỉ cần dành một chút thời gian để suy nghĩ cách ngăn chặn những cuộc tấn công này, hoặc kiểm chứng thông tin nhận được. Ngoài ra, nên đọc thật kỹ thông tin trước khi chia sẻ lên mạng xã hội.
• Đừng hành động quá nhanh: Đặc biệt cảnh giác khi bạn có cảm giác cấp bách trong quá trình trò chuyện. Đây là cách thường thấy để tin tặc ngăn chặn nạn nhân suy nghĩ về vấn đề. Nếu bạn đang cảm thấy áp lực, hãy làm chậm nhịp độ lại. Thông thường, tin tặc tấn công phi kỹ thuật sẽ không tiếp tục nếu nhận ra chúng bị mất lợi thế từ yếu tố bất ngờ.
• Cẩn trọng với dấu chân kỹ thuật số của bạn: Chia sẻ quá mức thông tin cá nhân trên môi trường trực tuyến, chẳng hạn như mạng xã hội, có thể tạo điều kiện cho tin tặc. Bạn nên chuyển cài đặt sang chế độ “chỉ bạn bè” và cần cẩn trọng với những gì bạn chia sẻ. Không nhất thiết phải lo lắng quá mức, chỉ cần thật cẩn thận.
• Bảo mật các thiết bị: Đối với cá nhân, giải pháp kết hợp giữa các sản phẩm bảo mật và quy trình thực tiễn có thể giảm thiểu các mối đe dọa và giữ cho dữ liệu an toàn khi trực tuyến. Đối với doanh nghiệp, với hình thức làm việc tại nhà, doanh nghiệp nên thường xuyên đào tạo, nâng cao nhận thức của nhân viên về an ninh mạng, cũng như bảo vệ mạng doanh nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]
Nội dung tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo khi yêu cầu người dùng nhấn vào một đường link không phải do ngân hàng ACB quản...